Hai ngày trước ĐHCĐ thường niên 2016, Ngân hàng VPBank mới công bố các tài liệu chi tiết của chương trình nghị sự ngày 28/3. Nhiều nội dung quan trọng như: kết quả kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận, chia cổ tức, phương án tăng vốn điều lệ, bầu nhân sự HĐQT…
Lãi cao dồn, tăng vốn gấp
Năm 2015 tiếp tục ghi dấu sự tăng trưởng ấn tượng của VPBank, khiến cho nhiều nhà băng khác cũng phải “ngả mũ kính nể”, cụ thể: Dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng cao nhất hệ thống lên tới 49%, đạt 116.804 tỷ đồng (tổng dư nợ tín dụng gồm cả trái phiếu doanh nghiệp đạt 131.463 tỷ đồng, tăng 37,4%); tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 2,7%; huy động vốn từ khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 152.131 tỷ đồng (riêng tiền gửi từ khách hàng tăng trưởng 20,2%)…
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, năm 2015, thu nhập lãi thuần của VPBank tăng mạnh, tới 95,7% so với năm trước, đạt 10.353 tỷ đồng. Các hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán, thu nhập khác… vẫn tăng trưởng cao, chỉ riêng kinh doanh ngoại hối bị lỗ tới 290,4 tỷ đồng.
Do chi phí hoạt động tăng thêm hơn 2.010 tỷ đồng và trích chi phí dự phòng 3.277 tỷ đồng (tăng 234%) nên VPBank bị kéo giảm đáng kể lợi nhuận. Cả năm, ngân hàng đạt 3.096 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất và sau thuế đạt 2.395,8 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu tăng gần gấp đôi năm trước lên mức 3.072 đồng/CP.
Theo tài liệu gửi cổ đông, VPbank cho biết, hơn 2.395,8 tỷ đồng lãi sau thuế của năm 2015 sẽ được dành phân bổ các quỹ (363,5 tỷ đồng), quỹ đầu tư phát triển (tạm trích 408,7 tỷ đồng), giảm lợi nhuận sau thuế 154,9 tỷ đồng.
Theo tính toán, số lợi nhuận còn lại chưa phân phối khoảng 1.651,8 tỷ đồng, song VPbank dự kiến sẽ phải trả cổ tức cho cổ phần ưu đãi khoảng 146,4 tỷ đồng bằng tiền mặt (tỷ lệ cổ tức 20%) và trích thêm quỹ đầu tư phát triển 400,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận năm 2015 còn lại gần 1.104,8 tỷ đồng sẽ được sử dụng để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông. Theo đó, cổ đông sở hữu cổ phần phổ thông được chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 13,07%, tương ứng 1.104,8 tỷ đồng.
Việc phát hành thêm 73,2 triệu cổ phần ưu đãi và trả cổ tức bằng cổ phiếu này sẽ giúp VPBank hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 8.056 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Đây cũng là một nội dung quan trọng, thu hút sự quan tâm, chất vấn của cổ đông tại ĐHCĐ lần này.
Nỗi trăn trở của nhiều cổ đông là suốt ba năm qua, VPBank liên tục tăng trưởng cao, báo lãi lớn, song lại kiên trì chính sách cổ tức bằng cổ phiếu? Kỳ ĐHCĐ năm trước, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, mới giải đáp phần nào rằng: “Cổ đông chỉ nhận được cổ tức bằng tiền mặt khi ngân hàng không còn chịu áp lực về tăng vốn điều lệ và tìm được đối tác nước ngoài mua cổ phần (công ty chứng khoán VPBS và công ty tài chính VPBank)”.
![]() |
Việc phát hành thêm 73,2 triệu cổ phần ưu đãi và trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp VPBank hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 8.056 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng.
Nợ xấu là “rào cản”?
Sau giai đoạn tái cơ cấu, các nhà băng quy mô nhỏ và vừa đều đang nỗ lực chạy đua tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính, cải thiện chỉ số an toàn vốn, tạo thêm nguồn vốn kinh doanh.
Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng siết chặt việc chia cổ tức của ngân hàng, quan điểm là hạn chế chia cổ tức nếu chưa đảm bảo xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận, dư dả tiền song tỷ lệ cổ tức cũng bị “áp trần”, có nơi chỉ được trả tối đa 9%, có nơi 5%, có nơi là 0%… như đã diễn ra tại hai mùa ĐHCĐ vừa qua.
Với trường hợp VPBank, năm 2014-2015, ngân hàng vẫn chịu áp lực xử lý nợ xấu khá lớn. Cuối năm 2014, dư nợ xấu (nhóm 3-5) vẫn còn gần 1.989 tỷ đồng (tỷ lệ 2,54%), đến cuối năm 2015 tăng lên 3.145 tỷ đồng (tỷ lệ 2,69%). Chưa kể dư nợ nhóm 2 – cần chú ý tăng rất nhanh, lên tới 6.695 tỷ đồng…
Lãnh đạo VPBank cũng chia sẻ đã phải bán cho VAMC hơn 4.300 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013-2014, thu hồi được 1.000 tỷ đồng nợ đã bán và tiếp tục phải xử lý thu hồi, bán nợ, trích dự phòng rủi ro… để “ép” nợ xấu về mức thấp, dưới ngưỡng an toàn trong các năm tiếp theo.
Điều đáng ngại còn “tiềm ẩn” trong hoạt động trích dự phòng rủi ro của VPBank có thể kéo giảm lợi nhuận. Đơn cử, tại ngày 30/11/2015, VPBank có 6.357 tỷ đồng nợ nhóm 2, phải trích dự phòng với tỷ lệ 5%, song mới trích được 251 tỷ đồng, chỉ bằng 3,95%. Nợ xấu nhóm 5 - nguy cơ mất vốn là 1.483 tỷ đồng, ngân hàng chỉ trích dự phòng 156,4 tỷ đồng (tỷ lệ 10,5%), thấp hơn mức trích lập bắt buộc là 100%.
Nếu trích lập đủ dự phòng cho 3.145 tỷ đồng nợ xấu thì số lợi nhuận 2.395 tỷ đồng mà VPBank công bố liệu bị “hao hụt” bao nhiêu? Ngoài ra, việc trích lập dự phòng trái phiếu VAMC của ngân hàng này cũng thấp hơn mức 20% theo quy định. Ví dụ: Số dư trái phiếu 4.520 tỷ đồng chỉ được trích dự phòng 567 tỷ đồng, tỷ lệ trích 12,5%… Trong khi đó, ngân hàng đã phải sử dụng tới 1.960 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để bù đắp nợ mất vốn.
Gánh nặng nợ xấu vẫn còn căng thẳng và VPBank vẫn đang tìm đối tác nước ngoài thiện chí muốn gắn bó, hỗ trợ ngân hàng tái cơ cấu. Và trong lúc chờ đợi, lãnh đạo ngân hàng cũng gợi ý cổ đông sốt ruột muốn “hiện thực hoá lợi nhuận có thể bán cổ phiếu để thu tiền mặt”.
Thu Hằng