VPBank tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2020 |
Chiều ngày 29/5, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (Mã: VPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020. Tham dự đại hội có các cổ đông đại diện cho 81,81% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Lợi nhuận sẽ vượt 6.000 tỷ đồng trong 6 tháng
Cập nhật kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2020, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, cuối quý I/2020, lợi nhuận VPBank đạt hơn 2.900 tỷ đồng, chiếm gần 30% lợi nhuận cả năm. NIM trong quý của ngân hàng giảm 1-2%.
"Chúng tôi tìm cách giảm chi phí vốn, 5 tháng đầu năm VPBank tiết kiệm hơn 400 tỷ đồng so với kế hoạch dự kiến. Do đó, lơi nhuận vẫn đạt mục tiêu", ông Vinh cho hay.
Tính đến cuối tháng 4/2020 lợi nhuận VPBank đã đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng.Tại thời điểm ĐHCĐ, lợi nhuận ngân hàng đã vượt 5.100 tỷ đồng – bằng 50% kế hoạch cả năm và dự kiến sẽ đạt 6.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2020.
"Nếu không có biến động gì đặc biệt, cuối năm có thể đạt mục tiêu lợi nhuận cao hơn 10% so với kế hoạch đặt ra", ông Vinh cho nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo VPBank cũng cho biết, năm nay dịch bệnh Covid-19 bùng phát sẽ ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng. Do đó, mặc dù đầu năm nay ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 13.500 - 14.000 tỷ đồng, tăng 29%. Nhưng tại ĐHCĐ Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh.
Theo đó, năm nay VPBank kế hoạch tổng tài sản tăng 12,7% lên 425.132 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá lên kế hoạch đạt 299.728 tỷ đồng, tăng hơn 10% và dư nợ cấp tín dụng 304.744 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Lợi nhuận trước thuế khoảng 10.214 tỷ đồng, giảm 1,1% so với năm 2019. Trong đó, lợi nhuận ngân hàng mẹ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 15%, còn với FE Credit điều chỉnh giảm nhẹ.
"FE Credit áp dụng biện pháp quản lý thận trọng hơn, trong quý 1 và 2 sẽ tập trung cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng gặp phải khó khăn. Quan điểm phát triển thận trọng, có thể phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro", ông Vinh nói.
Dù đưa ra mục tiêu lợi nhuận giảm, song ông Vinh cũng trấn an cổ đông nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, cùng với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận như hiện nay, khả năng năm nay lợi nhuận đạt được sẽ cao hơn 10-12% so với mục tiêu lợi nhuận trình ĐHCĐ.
Có thể bán 49% vốn tại FE Credit
Tại đại hội, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPBank cũng chia sẻ với cổ đông về kế hoạch IPO của FE Credit.
Cụ thể, trong những năm qua HĐQT cũng đã đàm phán với các nhà đầu tư để bán một phần vốn của FE Credit. Hiện nay công việc đàm phán vẫn đang triển khai, bước đầu đã có kết quả tích cực.
"Chúng tôi tin rằng sẽ đạt được mục tiêu đề ra vì FE Credit là ứng cử viên hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng", ông Dung cho hay.
Chia sẻ thêm, lãnh đạo VPBank cho biết do FE Credit là công ty tài chính nên có thể bán tối đa 49% vốn. Trong trường hợp bán đến 49% vốn thì quyền lợi của ngân hàng mẹ sẽ giảm đi đáng kể.
Tuy nhiên, việc đối tác tham gia đến 49% cổ phần thì ngân hàng sẽ lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, thế mạnh. "Họ cũng sẽ mang tới tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành tới. Đó là điều rất tốt", ông Dũng nói.
Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết, với lượng tiền mà ngân hàng mẹ thu được, chúng tôi sẽ có phương án sử dụng nguồn tiền đó hiệu quả nhất. Chẳng hạn tập trung vào các mảng bán lẻ và SME.
Về kế hoạch chia cổ tức năm 2019, HĐQT trình cổ đông không chia cổ tức nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
"Ngành ngân hàng có đặc điểm phải tăng trưởng liên tục, quy mô cần phải tăng trưởng để đảm thị phần, đảm bảo các chỉ số an toàn. Mục tiêu của VPBank là xây dựng ngân hàng lọt vào top 3 trong hệ thống. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không thể thực hiện được mục tiêu này nếu tiến hành chia lợi nhuận. Đó là một sự đánh đối để ngân hàng trong việc thực hiện chiến lược này", ông Vinh cho hay.
Thanh Hoa