Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 8/10 để phát hành cổ phiếu trả cổ tức và tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/10.
Cụ thể, ngân hàng sẽ phát hành 1,97 tỷ cổ phiếu cho cổ đông, tương đương 80% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt quyền. Trong đó, 1,23 tỷ cổ phiếu sẽ được dùng để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 62,15%. Hơn 747 triệu cổ phiếu còn lại sẽ dùng để thưởng cho cổ đông, tương ứng với tỷ lệ thưởng là 17,85%, tức cổ đông sở hữu 10.000 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1.785 cổ phiếu mới.
Khách hàng đặt lịch hẹn Online với VPBank được ưu tiên giao dịch. |
Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển và Quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ trên Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020 và Báo cáo tài chính kiểm toán kết thúc ngày 31/7/2021 với tổng giá trị gần 19.758 tỷ đồng.
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng từ gần 25.300 tỷ đồng lên mức 45.058 tỷ đồng; qua đó trở thành ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VPB đang trong giai đoạn hồi phục. Ngày 27/9, cổ phiếu VPB giao dịch ở mức 67.100 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường theo đó vào khoảng 165.473 tỷ đồng.
Trước đó, VPBank đã triển khai phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP). Cụ thể, VPBank sẽ trích 15 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân nhiên với giá 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán và được giải tỏa dần qua các năm.
Trong buổi gặp gỡ trực tuyến với các nhà phân tích và nhà đầu tư cá nhân mới đây, ban lãnh đạo VPBank đã chia sẻ về kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2021 – 2022.
Cụ thể, kế hoạch tăng vốn dự kiến đến từ các nguồn (1) thương vụ bán 49% vốn điều lệ FE Credit cho Tập đoàn SMBC mang lại gần 1,4 tỷ USD (tương đương 30.000 tỷ đồng) (2) phát hành gần 2 tỷ cổ phiếu trị giá gần 20.000 tỷ từ nguồn cổ tức và thặng dư vốn cổ phần và (3) phát hành riêng lẻ 15% cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên 75.000 tỷ, gấp gần 3 lần hiện tại. Qua đó giúp VPBank vươn lên vị trí ngân hàng có Vốn điều lệ lớn nhất và nằm trong top đầu về Vốn chủ sở hữu.
H.C