Ngày 22/5, Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đã báo cáo thẩm tra về đề xuất của Chính phủ đối với việc tăng vốn thêm 17.000 tỷ đồng cho Agribank, trong đó nhất trí với chủ trương của Chính phủ đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp.
Trong đó, năm 2023, bố trí 6.753 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022; năm 2024, bố trí tối đa 10.347 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị cần nêu rõ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Nếu được tăng thêm 17.000 tỷ đồng, quy mô vốn điều lệ của Agribank sẽ tăng lên mức 51.430 tỷ đồng. |
Trước đó, trong ngày đầu làm việc tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Thống đốc cho biết, tính đến cuối năm 2022, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước. Thậm chí, quy mô vốn điều lệ của Agribank thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Techcombank (gần 35.200 tỷ đồng), MB (hơn 45.300 tỷ đồng), VPBank (hơn 67.400 tỷ đồng).
Điều đáng nói trong 5 năm qua, tốc độ tăng vốn điều lệ của ngân hàng này thấp hơn mức tăng tổng tài sản, khiến tỷ lệ an toàn tối thiểu (CAR) giảm, không đạt mức quy định.
Để đảm bảo vai trò chủ lực, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thêm 17.000 tỷ đồng vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Nếu được đồng ý, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên mức 51.430 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại báo cáo gửi tới Quốc hội phục vụ cho kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Thống đốc cho biết, cơ quan này đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 sau khi chia cổ tức bằng tiền mặt; chỉ đạo Vietcombank, Vietinbank, BIDV xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong tháng này, Vietcombank chia cổ tức 18,1% bằng cổ phiếu để tăng vốn lên 55.891 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đang chờ các cơ quan chức năng thông qua phương án tăng vốn theo lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, phương án phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài cũng đã khởi động ở bước thuê tổ chức tư vấn.
Trong năm nay, BIDV cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng. Năm nay, VietinBank cũng lên kế hoạch tăng vốn lên 66.030 tỷ đồng.
Số liệu thống kê từ NHNN cho thấy, đến cuối tháng 02/2023, vốn điều lệ của 04 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đạt 180,4 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.254,5 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường dân cư đạt 5.949,2 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường này đạt 5.371,1 nghìn tỷ đồng.
Về phía các ngân hàng thương mại cổ phần, đến cuối tháng 2/2023, vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần đạt 469,5 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 7.883,8 nghìn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.728,4 nghìn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 5.114,3 nghìn tỷ đồng.
Ngoài 4 ngân hàng quốc doanh, năm nay, NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần bao gồm: VPBank, HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LienVietPostBank, BacA Bank, VietA Bank, NamA Bank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, VietCapital Bank, MSB, NCB, và KienLongBank.
Được biết, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng này chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).
Thanh Hoa