Năm 2015 vừa qua, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) đã cùng lúc thực hiện nhiều công việc chính yếu của đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: nhận sáp nhập ngân hàng PGbank, tham gia hỗ trợ hai ngân ngân hàng 0 đồng là OceanBank và GPBank.
Sáp nhập PGbank bị chậm trễ
Báo cáo với cổ đông về tiến độ chậm trễ, kéo dài của cuộc sáp nhập PGBank, lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng đã thành lập Ban chỉ đạo công tác sáp nhập sau khi chủ trương nhận sáp nhập PGBank được ĐHCĐ năm 2015 thông qua.
Tuy nhiên, do cổ đông nhà nước có sở hữu hơn 40% tại PGBank – do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam là đại diện vốn nhà nước. Sở hữu nhà nước tại VietinBank là hơn 64% nên công việc sáp nhập tốn rất nhiều thời gian, phải xin chấp thuận từ nhiều ban, ngành… kéo dài hơn một năm vẫn chưa xong.
Hai ngân hàng vẫn tiếp tục rà soát hoạt động, tính toán tỷ lệ sáp nhập cho phù hợp với tình hình hoạt động. Ông Lê Đức Thọ – Tổng Giám đốc VietinBank – cho biết, quá trình sáp nhập với PGBank hiện đã cơ bản hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết, các chuẩn bị đầy đủ nhưng vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Dự kiến trong tháng 5/2016, VietinBank sẽ nhận được quyết định cuối cùng của việc sáp nhập. Sau đó, việc tích hợp hệ thống và sáp nhập PGBank vào VietinBank sẽ được thực hiện trong vòng tối đa 3 tháng, hoàn thành trước tháng 9/2016.
Cũng vì cuộc sáp nhập bị kéo dài nên ảnh hưởng tới chính sách cắt cổ tức năm 2015 của VietinBank. Do một điều khoản ràng buộc trong hợp đồng sáp nhập PGBank – VietinBank là các bên tham gia sáp nhập “không được chia cổ tức trước khi sáp nhập để đảm bảo không làm giảm giá trị sổ sách mỗi cổ phần của các bên”. Cổ tức năm 2014 đã được chia là 10% nên ngân hàng buộc phải cắt cổ tức 2015, giữ lại để bổ sung vốn tự có. Sang năm 2016, ngân hàng sẽ cố gắng chia cổ tức 7-9%, mục tiêu sẽ không dưới 10%. Để đảm bảo cổ tức, VietinBank sẽ phải đạt được mức lợi nhuận trước thuế 7.900 tỷ đồng (tăng 8% so với số thực hiện năm trước).
Cổ đông cũng chất vấn liệu VietinBank có tiếp tục sáp nhập thêm ngân hàng vì mục tiêu đặt ra là tăng vốn lên 49.209 tỷ đồng chưa đạt được?
Ông Nguyễn Văn Thắng nhận định, chủ trương số lượng ngân hàng sẽ giảm xuống còn 15-20 tổ chức vào năm 2020, nên sắp tới, hoạt động M&A sẽ rất sôi động. “Chúng ta có cơ hội tìm kiếm, lựa chọn các ngân hàng mà chúng ta mong muốn sáp nhập. Song hiện HĐQT mới nghĩ đến trường hợp PGBank, còn tiếp tục nghiên cứu, sẽ M&A nếu có kế hoạch”- ông Thắng nói. Một vấn đề được nhiều cổ đông quan tâm là vai trò và kết quả tham gia hỗ trợ của Vietinbank đối với hai ngân hàng 0 đồng là OceanBank và GPBank. Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, trước khi VietinBank vào hỗ trợ, hai ngân hàng này gặp khó khăn và có nguy cơ mất thanh khoản. Nhờ có thương hiệu VietinBank cùng các biện pháp tích cực như: cử nhân sự sang điều hành, kiểm soát hoạt động, hai ngân hàng này đã dần ổn định kinh doanh.
![]() |
VietinBank để ngỏ khả năng sáp nhập ngân hàng
OceanBank và GPBank“đã sống”
“Cả OceanBank và GPBank đã hoạt động bình thường trở lại, thanh khoản tốt, thậm chí dư dả”- Ông Thắng nhấn mạnh và cho biết thêm là việc xử lý nợ tồn đọng, nợ xấu của hai ngân hàng cũng rất gian nan, song năm 2015, đã thu hồi được khá nhiều nợ xấu, giúp cân đối tài chính, đảm bảo thanh khoản.
Ông Thắng cho rằng sẽ cần thời gian khá dài để hai ngân hàng thực hiện đề án tái cấu trúc do VietinBank cùng tham gia xây dựng, hỗ trợ triển khai. Ban điều hành VietinBank cho biết, năm 2015, kết quả kinh doanh đạt được rất khả quan, cụ thể: tổng tài sản đạt 779 ngàn tỷ đồng, tăng 17,9% năm trước, dư nợ tín dụng đạt 677 ngàn tỷ đồng, tăng 25%, tỷ lệ nợ xấu đến cuối kỳ giảm mạnh còn 0,73% dư nợ tín dụng. Huy động vốn đạt 712 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 20%. Quy mô hoạt động đầu tư đến 31/12/2015 của VietinBank đạt 195 ngàn tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản.
Mặc dù lãi lớn, song HĐQT đã trình cổ đông không chia cổ tức nhằm bổ sung nguồn vốn tự có, nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và đảm bảo tuân thủ các giới hạn về an toàn vốn theo quy định của NHNN và thông lệ quốc tế.
Hải Hà