Ngày 21/4, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (mã: VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 với nhiều kế hoạch quan trọng được đệ trình và xin ý kiến cổ đông.
Vietcombank cho biết sẽ đặt mục tiêu trọng tâm cho giai đoạn 2023 - 2028 như sau: Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12 - 14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9 - 10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10 - 11%/năm.
Theo đó, trong năm nay, nhà băng này đặt kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu chính: Tổng tài sản tăng 9%. Dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%. Huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%.
Lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt gần 43.000 tỷ đồng. "Kế hoạch tăng trưởng đã được xây dựng rất kỹ lưỡng và hoàn toàn khả thi. Vietcombank sẽ cố gắng đạt hoặc vượt kế hoạch đã đề ra", đại diện ngân hàng khẳng định.
Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch HĐQT Vietcombank. |
Thông tin với cổ đông về kết quả kinh doanh trong quý I/2023, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, mặc dù có nhiều thách thức, kết quả kinh doanh quý I của Vietcombank rất khả quan. Tín dụng tăng trưởng hơn 2,5%. Huy động vốn tăng 3,2%, khả quan hơn toàn ngành ngân hàng. NIM của Vietcombank có cải thiện so với năm ngoái, tăng 0,04% so với cuối năm 2022. Lợi nhuận riêng lẻ đạt 11.050 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất đạt 11.200 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 14% so với cùng kỳ và đạt 26% kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, diễn biến chất lượng tín dụng có suy giảm. Nợ xấu tăng nhẹ so với năm ngoái nhưng đều nằm trong dự báo của hệ thống ngân hàng và đã được nhận diện từ trước.
Về kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức trong năm nay, ông Dũng cho biết, Vietcombank đang triển khai 3 nội dung tăng vốn: tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019 với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. "Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa sẽ hoàn thành tăng vốn theo phương án này", ông Dũng cho hay.
Nội dung tăng vốn thứ hai đã thông qua tại Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây (tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận của năm 2021 và lợi nhuận lũy kế còn lại đến trước năm 2018). Mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc hội thông qua.
Nội dung tăng vốn thứ ba là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023 - 2024.
Nói rõ thêm về kế hoạch tăng vốn và chia cổ tức, Phó tổng giám đốc Phùng Nguyễn Hải Yến cho biết: nội dung tăng vốn thứ nhất (trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2020 và lợi nhuận còn lại năm 2019 với tỷ lệ 18,1%) sẽ được triển khai các bước và thực hiện trong tháng 5/2023; Nội dung thứ hai là trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2021 và lợi nhuận còn lại đến trước năm 2018 với quy mô 27.000 tỷ đồng hiện đang xin các cấp có thẩm quyền.
Nội dung phân phối lợi nhuận, ngân hàng dự kiến chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế của năm 2022 là hơn 21.000 tỷ đồng.
Đại diện Vietcombank cho biết, ngân hàng đã trình Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc 1 tổ chức tín dụng cho Vietcombank. Ngân hàng đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao 1 tổ chức tín dụng và đang chờ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
"Hiện nay, ngân hàng đang rất tích cực chuẩn bị nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, Vietcombank chưa đưa việc nhận chuyển giao vào kế hoạch kinh doanh của ngân hàng trong năm 2023", Chủ tịch Phạm Quang Dũng cũng cho biết.
Thanh Hoa