Mặc dù thực hiện giảm lãi suất điều hành 0,25%, nhưng cũng hút ròng 57,8 nghìn tỷ đồng |
Đó là nhận định của các chuyên gia của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tại buổi toạ đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2019, được tổ chức sáng 10/10.
Báo cáo của VERP cho rằng, mặt bằng lãi suất điều hành của Việt Nam hiện nay vẫn đang ở ngưỡng cao, mức giảm 0,25% thực sự có mang nhiều tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh không vẫn là điều chưa thể nhận thấy ngay được.
Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước đã ảnh hưởng lớn đến lãi suất liên ngân hàng, khiến lãi suất lao dốc mạnh trong tháng 9, cuối quý III lãi suất qua đêm chỉ còn 1,74% - thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Đáng nói, dù giảm lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước liên tục hút tiền về. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia VERP, việc hút tiền ròng có thể phục vụ mục tiêu cân bằng với lượng tiền đồng tương ứng phải đưa ra thị trường để mua ròng ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối trong quý III vừa qua.
Bên cạnh đó, tăng trưởng cung tiền M2 trong quý III ở mức 8,44%, thấp hơn so với năm 2018 (8,74%) - điều này giảm bớt gánh nặng liên quan đến lạm phát.
Tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lần lượt là 8,4% và 8,68%, thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tổng phương tiện thanh toán khoảng 13%, tín dụng khoảng 14%.
Về cơ cấu tín dụng cho các ngành ưu tiên tăng. Cụ thể, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13,2%, xuất khẩu tăng 13,2%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 11,42%, nông nghiệp nông thôn tăng 6%.
Theo VERP, riêng tín dụng hướng đến nhóm ngành nông nghiệp nông thôn cần được quan tâm đặc biệt do năm nay ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn: dịch tả lợn châu Phi, trồng tiêu mất mùa...
Thanh Hoa