Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước liên tục có những chỉ đạo nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay. Đặc biệt, việc hạ lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện để kéo giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất cho vay cao gấp đôi lãi suất huy động
Hiện nay, lãi suất huy động đã giảm xuống ngang giai đoạn thấp kỷ lục vì Covid-19. Theo đó, lãi suất huy động thấp nhất trên thị trường ở kỳ hạn 1 tháng là 3%; kỳ hạn 3 tháng là 3,5%; kỳ hạn 6-9 tháng còn 4,5%. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên được một số nhà băng niêm yết ở mức 5,5%/năm.
Nhiều ngân hàng đang áp biểu lãi suất cơ sở khá cao dù lãi suất huy động đã giảm mạnh. |
Lãi suất cho vay trên thị trường cũng giảm nhiệt theo lãi tiền gửi. Các ngân hàng tung nhiều gói vay ưu đãi lãi suất 6-7%/năm trong thời gian đầu. Đặc biệt, nhiều ngân hàng vào cuộc cho khách vay tiền để trả nợ ngân hàng khác sau khi Thông tư 06 có hiệu lực như BIDV, VietinBank, Vietcombank…
Tuy nhiên, với lãi suất thả nổi (khoản vay cũ), cá nhân vay thế chấp tại các ngân hàng quốc doanh chịu lãi suất dao động khoảng 10-11%/năm, còn tại nhóm tư nhân là khoảng 12-13%/năm.
Nhiều doanh nghiệp và người dân cho rằng, mức lãi suất thấp chỉ được các ngân hàng áp dụng trong thời gian đầu rất ngắn (từ 6 tháng đến 1 năm) sau đó sẽ thả nổi cộng với biên độ khoảng 3,5%/năm. Với cách tính này, người vay vẫn được hưởng mức lãi vay thấp hơn so với thời điểm đầu năm. Chẳng hạn, lãi suất huy động cao nhất chỉ còn 6,1%/năm, cộng với biên độ khoảng 3,5%/năm, khách hàng phải trả lãi vay khoảng 9,6%/năm, tức vẫn giảm hơn mức cũ 0,4%/năm.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh đang phải trả lãi vay tại các ngân hàng từ 10% - 13%/năm, tức hơn gấp đôi lãi suất huy động cao nhất. Chị Lê Minh Hương (Hà Nội) chia sẻ: Ngày 10/9 vừa qua, khoản vay của chị tại một ngân hàng hết thời hạn ưu đãi, chị được một nhân viên tín dụng của ngân hàng này thông báo kể từ tháng sau, mức lãi suất phải trả lên đến 13%/năm.
“Tôi rất bất ngờ với mức lãi vay rất cao này, bởi gần đây, các ngân hàng thông báo lãi suất cho vay đã giảm xuống dưới 10%. Khi tôi chất vấn, nhân viên tín dụng cho biết ngân hàng lấy mức lãi suất cơ sở để làm căn cứ cộng thêm biên độ chứ không căn cứ mức lãi suất huy động kỳ hạn 12, 13 tháng như trước đây", chị Hương bức xúc kể.
Lãi suất cơ sở vẫn neo cao
Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cơ sở để thay thế lãi suất huy động kỳ hạn 12 - 13 tháng làm căn cứ để cộng thêm biên độ, từ đó định ra mức lãi vay cuối cùng mà khách hàng phải trả.
Đáng nói là biểu lãi suất cơ sở được áp dụng khá cao dù lãi suất huy động đã giảm mạnh. Có ngân hàng chia lãi suất cơ sở này theo từng mục đích vay và thời gian giải ngân.
Theo ghi nhận của VnBusiness, lãi suất cơ sở tại nhiều ngân hàng cổ phần đang neo ở mức 8,2 - 9%/năm.
Chẳng hạn, Techcombank thông báo điều chỉnh lãi suất cơ sở từ ngày 7/9 với mức lãi suất cơ sở tham chiếu cho khách hàng doanh nghiệp ở kỳ hạn từ 1 – 5 tháng ở mức 9,38%/năm; kỳ hạn 6 tháng là 9,48%, kỳ hạn 9 tháng là 10,03% và 12 tháng là 10,48%. Đối với khách hàng cá nhân vay mua bất động sản, ô tô, tiêu dùng thế chấp từ kỳ hạn 1 năm đến 5 năm là 8,2%/năm.
Trong khi đó, TPBank quy định lãi suất cơ sở đối với khách hàng cá nhân kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng từ 8,30% - 9,55%/năm.
Các ngân hàng cho rằng phải tính theo lãi suất cơ sở vì lãi suất huy động chưa thể hiện đầy đủ chi phí vốn của ngân hàng. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần cho biết, dù huy động 10 đồng nhưng ngân hàng chỉ có thể cho vay được 8 đồng, còn 2 đồng đưa vào dự trữ bắt buộc.
Chẳng hạn, ngân hàng huy động tiền gửi với lãi suất 6%/năm, nhưng chi phí huy động vốn thực lên đến 6,2 - 6,5%/năm, chưa kể nhiều chi phí phát sinh khác như chi phí dự trữ thanh khoản. Hơn nữa, các ngân hàng rất khó huy động dài hạn mà chủ yếu huy động ngắn hạn, trong khi tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ còn 34% (áp dụng từ 1/10/2022).
Như vậy, huy động 10 đồng vốn ngắn hạn, ngân hàng chỉ cho vay được 3-4 đồng trung dài hạn và sắp tới còn giảm nữa, chi phí vốn càng bị đội thêm. "Do lãi suất huy động không thể hiện đầy đủ chi phí vốn nên ngân hàng mới xây dựng lãi suất cơ sở, trong đó có cộng thêm một số chi phí vốn thực", đại diện một ngân hàng cổ phần nói.
Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao hiệu quả tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế diễn ra sáng 7/9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát lại tất cả các điều kiện liên quan đến tín dụng, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội, dư luận, tiếp thu các kiến nghị hợp lý, có giải pháp tháo gỡ, điều chỉnh kịp thời, phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
"Quan trọng nhất hiện nay là phải tìm điểm cân bằng, thiết kế lãi suất mặt bằng hợp lý,… Đối với những gói hỗ trợ tín dụng đang còn hiệu lực thì tiếp tục cố gắng thúc đẩy, giải ngân tối đa có thể", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Huyền Anh