Trong thông báo mới nhất của VietinBank, từ ngày 1/9/2023, phí hàng tháng của dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản thanh toán qua tin nhắn SMS (SMS Banking) sẽ được tính dựa trên số lượng tin nhắn SMS thực tế phát sinh trong kỳ, thay cho mức cố định.
Chu kỳ tính phí dịch vụ được tính từ ngày đầu tiên đến ngày cuối cùng của tháng và thời điểm thu phí sẽ đổi từ thu phí đầu kỳ sang thu phí cuối kỳ.
Như vậy, đối với kỳ phí tháng 9/2023, thay vì thu phí vào ngày đầu chu kỳ (theo ngày đăng ký sử dụng dịch vụ SMS của khách hàng), VietinBank sẽ dời lịch thu phí sang tuần đầu tháng 10/2023 để hệ thống tổng kết số lượng SMS của khách hàng đã sử dụng trong tháng 9/2023.
Từ 1/9 hàng loạt ngân hàng tăng phí dịch vụ SMS thông báo biến động số dư. |
Nếu số lượng SMS biến động số dư là 14 SMS hoặc nhỏ hơn, VietinBank sẽ áp dụng mức phí cố định hiện hành là 11.000 đồng (đã gồm VAT).
Nếu số lượng SMS biến động số dư từ 15 SMS trở lên, VietinBank áp dụng cách tính phí theo số lượng phát sinh thực tế. Ví dụ, khách hàng phát sinh 50 SMS trong tháng, phí dịch vụ sẽ là 50 x 880 đồng = 44.000 đồng (đã gồm VAT).
Tại VPBank, biểu phí SMS Banking từ ngày 1/9 cũng được điều chỉnh từ mức gói cố định hàng tháng là 12.000 đồng/số tài khoản/1 thuê bao/tháng chuyển thành biểu phí tăng dần tính theo số lượng tin nhận được hàng tháng, thấp nhất từ 10.000 đồng và cao nhất là 70.000 đồng/số tài khoản/1 thuê bao/tháng.
VPBank sẽ chỉ thu phí SMS banking với những giao dịch có giá trị từ 100.000 đồng trở lên. Các giao dịch có giá trị dưới 100.000 đồng (mức giao dịch tối thiểu) sẽ không nhận thông báo biến động số dư về điện thoại mà nhận trên app Ngân hàng điện tử VPBank NEO.
Trước đó, nhiều ngân hàng khác như: SeABank, VIB, TPBank, Eximbank, Bac A Bank, Techcombank, VIB, BVB… cũng đã điều chỉnh thu phí dịch vụ SMS Banking.
Vì vậy, để thuận tiện trong giao dịch, tối ưu lợi ích, nâng cao trải nghiệm trên kênh số và tiết kiệm chi phí, các ngân hàng khuyến khích khách hàng chuyển đổi từ quản lý biến động số dư trên SMS Banking có thu phí sang sử dụng dịch vụ nhận thông báo biến động số dư qua tin nhắn OTT (tin nhắn trên ứng dụng ngân hàng), giao dịch chi tiêu thẻ, nhắc lịch trả nợ định kỳ, các thông tin dịch vụ, các chương trình ưu đãi nổi bật … hoàn toàn miễn phí.
Đây không phải lần đầu các ngân hàng điều chỉnh phí dịch vụ SMS Banking, hồi đầu năm 2022 nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng giá cước tin nhắn SMS Banking gấp từ 5-7 lần trước đó khiến khách hàng bức xúc. Tuy nhiên, các ngân hàng lý giải việc tăng giá cước do ngân hàng phải bù lỗ rất nhiều khi thanh toán các khoản phí cho công ty cung cấp dịch vụ viễn thông.
Cụ thể, MobiFone và VinaPhone áp 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Viettel áp 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính. Vietnammobile áp dụng 280 - 400 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng.
Trong khi đó, mỗi giao dịch chuyển tiền/thanh toán ngân hàng đều phải gửi ít nhất 2 tin nhắn cho khách hàng. Theo tính toán của một ngân hàng có quy mô lớn, bình quân mỗi khách hàng có 15 - 20 giao dịch/tháng, tương đương 25 - 30 tin nhắn/tháng với chi phí khoảng 20.000 - 25.000 đồng/tháng. Với những ngân hàng miễn phí, hiện một giao dịch thanh toán ngân hàng phải chi trả và chịu lỗ chi phí tin nhắn bình quân 1.640. đồng/giao dịch.
Tuy nhiên, sau khi làm việc với ba nhà mạng lớn tại Việt Nam (Viettel, VNPT và Mobifone) về việc điều chỉnh tính phí dịch vụ SMS, các nhà mạng và ngân hàng thống nhất sẽ thực hiện thu phí trọn gói từ 10.000 VND đến 11.000 VND cho một khách hàng trên mỗi tháng sử dụng dịch vụ SMS Banking và không giới hạn số lượng SMS trong tháng.
Theo nhận định của các chuyên gia, hình thức SMS Banking đã phổ biến nhiều năm nên người dùng khó từ bỏ thói quen, chưa dễ dàng tiếp nhận phương thức mới để nhận biến động số dư. Do đó, việc tăng phí dịch vụ, cũng như dừng thông báo biến động số dư SMS Banking đối với khoản tiền giao dịch nhỏ là một trong những biện pháp để thúc đẩy khách hàng chuyển sang nhận thông báo trên App ngân hàng số.
TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Các ngân hàng đang chuyển hướng mạnh sang khuyến khích các khách hàng sử dụng kênh ngân hàng số để giảm chi phí tin nhắn và giảm rủi ro tin nhắn mạo danh.
“Trước đây, các ngân hàng thường thông qua tin nhắn dịch vụ ngân hàng để thông báo biến động số dư cho khách hàng. Cước phí tin nhắn dịch vụ ngân hàng đang cao hơn gấp 3 lần so với phí tin nhắn bình thường. Sau nhiều lần kiến nghị nhà mạng viễn thông giảm cước phí không được, nhiều ngân hàng đã chuyển sang thông báo số dư qua App ngân hàng. Đây cũng là một giải pháp để giảm được chi phí cho người dân”, ông Hùng cho biết.
Thanh Hoa