![]() |
Người dùng ví điện tử cần một hệ sinh thái đa dạng dịch vụ, an toàn, có thể liên kết với nhiều ngân hàng để thuận tiện trong sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt. |
Hiện nay, nhà cung cấp, đơn vị trung gian thanh toán, ngân hàng, dịch vụ thanh toán đều đã sẵn sàng cho thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, người dùng hiện nay còn cần nhiều hơn thế. Họ cần một hệ sinh thái đa dạng dịch vụ, an toàn, có thể liên kết với nhiều ngân hàng để thuận tiện trong sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt.
Tăng tốc chinh phục thị trường
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 43 triệu tài khoản ngân hàng, nhưng chỉ có 10 triệu tài khoản ví điện tử. Rõ ràng, thị trường ví điện tử đang là miếng bánh béo bở và đầy tiềm năng chưa được khai phá mà bất kỳ công ty fintech (công nghệ tài chính) nào cũng muốn nhảy vào.
Theo báo cáo của J.P.Morgan, 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử được thực hiện qua ví điện tử tại Việt Nam, ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%).
Vì vậy, để giữ chân khách hàng và gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường, các thương hiệu ví điện tử đang “đốt tiền” vào các chương trình khuyến mãi, tăng ưu đãi cho khách hàng mới.
Trong tháng 6/2020, Ví điện tử AirPay đưa ra chương trình ưu đãi cho người dùng lần đầu kích hoạt ví AirPay trên Shopee, nhận ngay gói ưu đãi hơn 300.000 đồng.
Momo có chương trình “tuần lễ vàng” từ ngày 4 - 30/6 khi giới thiệu thành công 1 khách hàng mới sử dụng ví Momo, đối tác sẽ nhận ngay 100.000 đồng tiền vào ví. Người được bạn giới thiệu cũng nhận gói quà 500.000 đồng.
Ngoài ra, hàng loạt ví khác áp dụng khuyến mãi giảm giá trực tiếp, tặng thêm món ăn, thức uống tại các điểm giao dịch, giảm giá khi nạp thẻ điện thoại, thanh toán điện nước, mua vé xem phim… Và lượng người dùng tăng vọt sau mỗi đợt hoàn tiền, tặng quà.
"Cuộc chiến" của các ví điện tử hiện nay có thể so sánh với "cuộc chơi" thương mại điện tử tại Việt Nam cách đây vài năm. Các trang thương mại điện tử lớn đổ rất nhiều tiền để thu hút người dùng mới, nhưng khi tiền đã cạn mà không giữ chân được khách hàng thì buộc phải ra đi.
Theo ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành ví điện tử AirPay, ví điện tử đang phát huy vai trò tiện lợi cho người sử dụng trong thanh toán hằng ngày, hình thành một thói quen mới không còn phụ thuộc vào tiền mặt từ thanh toán điện, nước, Internet hay nạp thẻ điện thoại.
Tài chính mạnh phải đi kèm với hệ sinh thái
Nhiều người tiêu dùng cho rằng chính sự đa dạng về dịch vụ và địa điểm thanh toán là lý do để họ chuyển sang dùng ví điện tử thay cho các app ngân hàng.
Vì vậy, để phát triển ví điện tử một cách lâu dài và giữ chân khách hàng, theo các chuyên gia, các sản phẩm và dịch vụ phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt phải thuận tiện, đáp ứng được lợi ích và nhu cầu cho người tiêu dùng.
Một chuyên gia đánh giá, việc “đổ tiền” vào khuyến mãi trong giai đoạn xâm nhập thị trường là bước đi cần thiết giúp các ví điện tử thu hút người dùng mới. Tuy nhiên, khi xét về đường dài, tài chính mạnh và hệ sinh thái thanh toán tốt mới chính là yếu tố giúp các ví điện tử "lên ngôi".
Thị trường Việt Nam đang chứng kiến 2 xu hướng phát triển của các ví điện tử: sáp nhập vào một hệ sinh thái lớn hơn; tự phát triển hệ sinh thái cho riêng mình. Dù theo xu hướng nào thì sự cạnh tranh giữa hàng chục ví điện tử vẫn diễn ra khốc liệt. Trong đó, yếu tố sức mạnh tài chính sẽ đóng vai trò hỗ trợ tích cực, còn quyết định cho sự thành bại của ví phải là hệ sinh thái.
Để giữ được vị trí dẫn đầu thị trường hiện nay, ông Nguyễn Bá Diệp - Đồng sáng lập, Phó chủ tịch HĐQT Ví điện tử MoMo, chia sẻ bí quyết để Momo chiếm lĩnh được 90% thị trường là nhờ hệ sinh thái đa dạng từ ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, y tế, giáo dục, đến cả những dịch vụ ăn uống, du lịch, giao thông và dịch vụ công… để thuyết phục người dùng, người bán hàng dùng MoMo, thay vì trả tiền mặt.
Kết quả khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường độc lập Cimigo cũng chỉ ra 6 yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng: Giao diện thân thiện, dễ sử dụng; Có chương trình khuyến mãi đa dạng, thường xuyên; An toàn và bảo mật; Liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau; Được chấp nhận thanh toán tại quầy ở nhiều nơi; Đa dạng về các loại dịch vụ thanh toán.
Bà Lê Xuân Phương - Phó giám đốc nghiên cứu tại Cimigo cho biết: “Việc xây dựng một ví điện tử có giao diện thân thiện, dễ sử dụng đi kèm với các chương trình khuyến mãi đa dạng và thường xuyên là 2 tiêu chí mang tính thúc đẩy, giúp thương hiệu gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng, trước khi nghĩ đến việc xây dựng các yếu tố mang tính thúc đẩy đó, ví điện tử cần phải đảm bảo tốt các vấn đề như an toàn và bảo mật, liên kết với nhiều ngân hàng cũng như đa dạng về dịch vụ và địa điểm thanh toán - các tiêu chí vốn được liệt vào nhóm nhân tố cơ bản trong việc lựa chọn ví điện tử”.
Thanh Hoa