![]() |
PVComBank là một trong những ngân hàng chưa niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán theo quy định. |
Đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", trong đó có quy định đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết , đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức bao gồm HoSE, HNX và UPCoM.
Những ngân hàng nào chậm lên sàn?
Thực chất, đây không phải là quy định mới. Việc thúc giục các nhà băng lên sàn đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện từ rất lâu thông qua một loạt các văn bản, quy định như Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính hay Chiến lược Phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030 được Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 8/2018.
Có nhiều lý do khiến NHNN yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, theo các chuyên gia, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch tập trung sẽ giúp nâng cao thanh khoản cổ phiếu, minh bạch trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng. Vì khi lên sàn, các ngân hàng phải có trách nhiệm công bố thông tin hoạt động rõ ràng và thường xuyên hơn.
Ngoài ra, việc niêm yết sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với số lượng nhà đầu tư rộng rãi hơn, không chỉ trong nước mà nhà đầu tư quốc tế, để thu hút vốn.
Thực tế, trong những tháng cuối năm 2020, thị trường chứng kiến hàng loạt ngân hàng công bố thông tin niêm yết cổ phiếu trên sàn. Như: MSB, NamABank, SaiGon Bank, PGBank, ABBank…
Ngoài lý do thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý, các ngân hàng gấp rút lên sàn vào thời điểm cuối năm 2020 còn vì quy định từ ngày 1/1/2021, khi Luật chứng khoán có hiệu lực, phải sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống UPCoM, công ty đại chúng mới được nộp hồ sơ đăng ký niêm yết chính thức.
Những động thái trên cũng cho thấy nỗ lực của các nhà băng trong việc thực hiện lời hứa với cổ đông cũng như thực hiện các quy định của Nhà nước.
Dù vậy, bên cạnh đó, vẫn còn một vài thành viên khá "dửng dưng" khi chưa lên sàn và cũng chưa công bố kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn.
Đến thời điểm hiện nay trong tổng số 31 ngân hàng thương mại cổ phần đang hoạt động vẫn có những đơn vị chưa niêm yết hoặc chưa có kế hoạch niêm yết như ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVComBank), ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) và ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Hết lý do đợi thị trường thuận lợi
Theo giới phân tích, việc xác định thời điểm thuận lợi để đưa cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán là điều vô cùng quan trọng. "Thời điểm thuận lợi" ở đây gồm có hai yếu tố chính, là tình hình thị trường chung và bản thân nội tại của ngân hàng.
Nếu như những năm trước, việc trễ hẹn lên sàn thường được lãnh đạo các nhà băng đưa ra là do thị trường chứng khoán không thuận lợi, thì năm nay, có vẻ lý do này sẽ không thể thuyết phục nhà đầu tư.
Hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục lao dốc và tạo đáy. Tuy nhiên, trong 3 tháng cuối năm, chỉ số VN Index bứt phá, liên tục lập đỉnh mới.
Nếu ngân hàng nào còn chần chừ thực hiện việc niêm yết cần có biện pháp kiên quyết để xử lý. Có thể áp dụng hình từ cảnh cáo, phạt hành chính, cho đến đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và biện pháp mạnh tay nhất là rút giấy phép hoạt động nếu ngân hàng vẫn cố tình "phớt lờ" việc thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Chuyên gia Tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu
Trong xu thế chung của thị trường, rất nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng lập đỉnh lịch sử.
Chẳng hạn, cổ phiếu SHB tăng gấp 3 lần so với đầu năm 2020 và tăng 42% so với đáy cuối tháng 3/2020, hiện đang giao dịch ở vùng 17.300 đồng/cp; ACB tăng 92,5% so với đáy và tăng 63% so với đầu năm 2020, hiện giao dịch ở mức 28,200 đồng/cp...
Theo các chuyên gia, quyết định lên sàn phụ thuộc rất nhiều vào bản thân nội tại của nhà băng. Nếu loại trừ các ngân hàng yếu kém bị mua lại bắt buộc hoặc đang bị kiểm soát đặc biệt là CBBank, OceaBank, GPBank, DongABank chưa thể đưa cổ phiếu lên sàn trong thời gian ngắn tới thì 4 ngân chưa lên sàn đều đang hoạt động bình thường.
Thông tin công bố từ phía 4 ngân hàng thương mại về kết quả kinh doanh 3 năm trở lại đây cho thấy hoạt động đều hoạt động có lãi.
Như SCB trong 2 năm 2018 và 2019 con số lợi nhuận trước thuế lần lượt là 220 tỷ đồng và 229 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay ngân hàng chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2020, nhưng cập nhật lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 đạt 114 tỷ đồng.
Trước tình trạng các ngân hàng chưa tuân thủ quy định lên sàn, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, nguồn cung đầu năm 2021 của thị trường sẽ dồi dào thêm ở một số ngân hàng thương mại.
UBCKNN và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thống nhất sẽ kiên quyết yêu cầu các ngân hàng phải lên sàn, muộn nhất là trong quý I/2021. Nếu ngân hàng nào không tuân thủ sẽ áp dụng biện pháp kỷ luật.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN không nên có động thái xem xét, đề xuất dời “hạn chót” thực hiện việc “lên sàn” của các ngân hàng sang một mốc thời gian khác. Bởi, khi quy định đã ban hành nhưng không được thực thi đúng thời hạn mà lại đề xuất thay đổi có thể sẽ gây hiệu ứng không tốt về việc ban hành và thực thi quy định pháp luật, đặc biệt có thể sẽ tạo nên tình trạng “nhờn” luật, các chủ thể sẽ không có ý thức tuân thủ đúng quy định đã ban hành…
Ngoài ra, điều này cũng sẽ tạo nên sự không công bằng đối với những ngân hàng đã chấp hành đúng quy định…
Thanh Hoa