Theo phân tích của các chuyên gia và công ty chứng khoán, từ nay đến Tết Nguyên đán, tỷ giá khó có thể biến động, vì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nắm trong tay những công cụ hữu hiệu để kiểm soát tỷ giá hối đoái.
Nguồn cung dồi dào
Ngày 16/12, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 23.155 đồng (giảm 5 đồng so với phiên cuối tuần trước). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.275 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.805 đồng.
Đầu giờ sáng 16/12, một số ngân hàng thương mại (NHTM) tăng tỷ giá ngoại tệ USD phổ biến ở mức 23.110 đồng (mua) và 23.240 đồng (bán).
Theo đó, Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 23.110 đồng (mua) và 23.230 đồng (bán). Eximbank: 23.105 đồng (mua) và 23.215 đồng (bán). Tại BIDV, giá USD cũng không đổi so với chốt phiên cuối tuần trước, niêm yết ở mức 23.110 - 23.230 VND/USD (mua vào - bán ra). Tại Techcombank, giá đồng bạc xanh niêm yết ở mức 23.092 - 23.232 VND/ USD (mua vào - bán ra), tăng 2 đồng.
Theo đánh giá của Chứng khoán SSI, tỷ giá mua vào của ngân hàng tại cuối tháng 11 đã thấp hơn 55 đồng/USD so thời điểm cuối năm 2018, tương đương 0,24%. Trong khi đó, yếu tố mùa vụ lại khiến tỷ giá tự do nhích tăng 60 đồng/USD, lên 23.240/23.260 đồng/ USD, tương đương tăng 0,26% nhưng vẫn thấp hơn 0,13% so với thời điểm cuối năm 2018.
Ngoại trừ hai tháng 5 và 6, tỷ giá bật tăng do leo thang chiến tranh thương mại khiến đồng Nhân dân tệ (CNY) mất giá, tỷ giá mua vào của các NHTM luôn ở mức ngang bằng hoặc thấp hơn tỷ giá mua vào của NHNN là 23.200 đồng/USD. Nhờ vậy, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục 73 tỷ USD, tương đương khoảng 14 tuần nhập khẩu và các NHTM cũng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động ngoại hối. Vào ngày giao dịch cuối cùng của tháng 11, NHNN đã giảm tỷ giá mua vào 25 đồng/USD, xuống 23.175 đồng/USD.
“Lực hút ngoại tệ về NHNN có thể giảm bớt, gián tiếp đẩy nguồn cung ngoại tệ ở lại thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Đồng thời, động thái này tạo tín hiệu về chính sách quản lý linh hoạt, có tăng có giảm không chỉ cho các thành viên thị trường mà cho cả các cơ quan nước ngoài khi đánh giá về chủ trương điều hành tỷ giá của Việt Nam”, báo cáo của SSI nhận định.
Theo đánh giá của các chuyên gia, bước vào tháng cuối năm, có rất nhiều yếu tố cùng đan xen tác động lên tỷ giá. Ngoài các diễn biến phức tạp từ bên ngoài, trong nước, cầu ngoại tệ tăng cao phục vụ nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thặng dư thương mại giảm mạnh, trạng thái ngoại tệ của các NHTM cũng bớt dồi dào do đã bán một lượng lớn ngoại tệ về NHNN sẽ tạo áp lực lên tỷ giá.
Tỷ giá năm 2020 tăng khoảng 1-2%
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng vẫn còn những yếu tố giúp NHNN điều tiết tỷ giá ở mức ổn định.
Chẳng hạn, chênh lệch lãi suất VND/USD trên liên ngân hàng nới rộng; dòng kiều hối và ngoại tệ từ các giao dịch hợp tác kinh doanh, bán vốn và kiều hối từ nước ngoài liên tục đổ về trong nước, giúp dự trữ ngoại hối đã đạt mức cao kỷ lục 73 tỷ USD và tính đến thời điểm này, NHNN đã mua ròng 6 tỷ USD. Việc sở hữu một mức dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ đảm bảo cho NHNN sử dụng một cách linh hoạt và hiệu quả các công cụ can thiệp trực tiếp, gián tiếp, nhằm điều chỉnh biến động tỷ giá theo các mục tiêu chính sách đã đề ra.
SSI dự đoán rất có thể tỷ giá USD/VND cuối năm 2019 sẽ thấp hơn hoặc bằng tỷ giá cuối năm 2018, đánh dấu một năm điều hành tỷ giá thành công của NHNN.
Thực tế, việc giữ tỷ giá ổn định trong năm 2019 phản ánh các nền tảng vĩ mô tích cực của Việt Nam nhưng cũng khiến VND tăng giá trong tương quan với các đối tác lớn. Các quốc gia này vẫn đang mở rộng quy mô nới lỏng tiền tệ, đồng nội tệ của họ sẽ còn giảm giá trong năm 2020. Vì vậy, về lâu dài sẽ tạo ra bất lợi nhất định cho hàng hóa Việt Nam nếu VND vẫn giữ giá.
Xét trong bối cảnh tổng thể cùng việc cân đối với quan hệ thương mại Việt – Mỹ, mức điều chỉnh của VND trong năm 2020 nếu có sẽ nằm trong khoảng 1 - 2% và sẽ được điều chỉnh dần từng bước tùy thuộc vào các diễn biến trên thế giới.
Theo đánh giá của PGs-Ts. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế Tp.HCM), xu hướng tỷ giá trong năm tới vẫn sẽ ổn định bởi NHNN có “công cụ” thuận lợi để có thể giữ tỷ giá nằm trong biên độ cho phép.
“Những bước đi chính sách về điều hành tỷ giá hối đoái lúc này là hết sức phù hợp để chuẩn bị trước cho các kịch bản thương chiến leo thang và mang theo các diễn biến phức tạp lên nền kinh tế Việt Nam, mà tỷ giá sẽ là một kênh truyền dẫn các cú sốc một cách trực tiếp. Hành động trước trong lúc tình thế thuận lợi sẽ chủ động và có nhiều ưu điểm hơn”, ông Bảo đánh giá.
Thanh Hoa