Cụ thể, ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 21.610 – 21.670 đồng/USD (mua vào – bán ra), là ngân hàng duy nhất giữ giá USD như cuối ngày hôm qua. Ngân hàng VietinBank tăng 10 đồng giá mua lên 21.620 đồng, giá bán niêm yết tại 21.670 đồng
“Neo” cứng, có cần thiết?
Ngân hàng Eximbank vẫn giữ nguyên giao dịch USD niêm yết ở mức mua vào là 21.610 đồng/USD so với ngày 5/5, song ở chiều bán ra lại tăng thêm 3 đồng, khi ở mức 21.673 đồng/USD. Ngân hàng BIDV với tỷ giá USD/VND niêm yết ở mức mua vào 21.630 đồng/USD, tăng 20 đồng so với chiều ngày 5/5 và vẫn giữ nguyên ở chiều bán ra với mức 21.670 đồng/USD. Ngân hàng Techcombank cũng tăng tới 20 đồng ở chiều mua vào với 21.610 đồng/USD và tăng thêm 3 đồng ở chiều bán ra với 21.673 đồng/USD.
Một số ngân hàng đã điều chỉnh tỷ giá ở mức trần theo quy định Ngân hàng Nhà nước
Như vậy, Exinbank và Techcombank là hai ngân hàng niêm yết mức giá bán USD cao nhất, bằng với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Theo nhiều ngân hàng, việc liên tục điều chỉnh giá bán đồng USD, tiến sát mức trần, so với mức giá bán USD cách đây 1 tuần, thì giá bán đồng USD đã tăng 60 – 70 đồng. Như vậy, giá USD tại thời điểm sáng ngay (6/5) đã đạt mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.
Diễn biến tăng mạnh của tỷ giá thời gian qua đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như nông, lâm, thuỷ sản, đã bị giảm mạnh về kim ngạch. Theo ông Lê Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê – Ca cao, nếu không điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cà phê. Bởi hiện nay, Brazil là nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới đang hạ tỷ giá rất thấp, nên việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ không tạo được thế cạnh tranh cho sản phẩm cà phê Việt Nam với đối thủ Brazil. Còn theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), hiện các DN xuất khẩu thuỷ sản đang chịu tác động lớn từ việc tỷ giá liên tục tăng, nên nếu Ngân hàng Nhà nước không điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo kinh tế vĩ mô, thì cần tính tới việc giảm lãi suất để giảm gánh nặng cho DN.
Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân tỷ giá liên tục tăng mạnh trong thời gian qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Hiện cung ngoại tệ vẫn dồi dào, dự trữ ngoại tệ Việt Nam lên đến 36 tỷ USD, Ngân hàng Nhà nước dự báo tiếp tục thặng dư 8 tỷ USD trong năm 2015, nên có thể sẵn sàng can thiệp vào thị trường khi cần thiết, nếu như tỷ giá vượt quá mức dự báo theo cam kết đầu năm 2015 để ổn định tình hình. Do đó, thông điệp của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là kiên trì theo đuổi mục tiêu tỷ giá tăng không quá 2%/năm.
Nên điều chỉnh cuối quý IV?
Tuy nhiên, theo TS. Phạm Tiến Đạt, Học viện Ngân hàng, đã có hơn 20 nước trên thế giới giảm giá nội tệ của họ so với USD để hỗ trợ xuất khẩu, kể cả quốc gia lớn như Nhật Bản đã tìm cách giảm tỷ giá đối với USD để trợ lực cho xuất khẩu. Trong khi đó, hiện tại giá trị USD đang tăng mà lãi suất USD tại Mỹ có thể tăng, nên nếu lãi suất USD tăng thì chắc chắn giá trị USD sẽ tăng thêm nữa. Dẫn đến, nếu Việt Nam vẫn neo tỷ giá như hiện nay thì sẽ bị thiệt hại vì sẽ tăng tính đầu cơ USD, nhiều người sẽ găm giữ USD, đẩy cầu USD tăng và đẩy tỷ giá lên. Do đó, TS. Đạt đặt câu hỏi việc Ngân hàng Nhà nước “neo” cứng ở mức 2% có cần thiết hay không?
Còn theo báo cáo Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô quý I/2015 do Viện Kinh tế và chính sách (VEPR - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng sức ép lên tỷ giá đến từ nhiều phía, trong đó có nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của DN nước ngoài; sự thu hẹp chênh lệch lãi suất bằng VND với lãi suất bằng USD, sự tăng giá USD toàn cầu có khunh hướng chuyển tài sản đầu tư sang USD. Trong khi đó, mức thâm hụt thương mại quý I không có tác động lớn, nhất là khi cán cân tổng thể vẫn thặng dư 2,8 tỷ USD. Hiện, lượng kiều hối đang “che dấu” tình trạng thâm hụt của Việt Nam, nên nếu loại bỏ dòng kiều hối thì cán cân thương mại, dịch vụ vẫn chịu thâm hụt lớn. VEPR cho rằng VND đang bị định giá quá cao và mức độ cạnh tranh về giá của hàng hoá thương mại đang gặp bất lợi.
Cơ quan nghiên cứu này cho rằng tỉ giá danh nghĩa cả năm sẽ tăng hết dư địa 2% mà Ngân hàng Nhà nước đã vạch ra khi phải chịu các áp lực hiện có. Tuy nhiên, do Việt Nam đang bước vào chu kỳ mới nên tính ổn định vĩ mô được ưu tiên, nên VEPR cho rằng sẽ không có những điều chỉnh đột ngột cho đến cuối năm. “Chúng tôi nhìn nhận khả năng kiểm soát tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước với lượng dự trữ ngoại hối hiện có (36,7 tỷ USD), và cán cân thanh toán vẫn thặng dư. Nên điều chỉnh tỷ giá nếu có sẽ rơi vào cuối quý IV. Quyết định lùi thời điểm tăng lãi suất của FED (PV-Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ), qua đó làm giảm mức tăng giá của USD, dường như đã có những ảnh hưởng nhất định đến quyết định giữ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước”, VEPR nhận định.
Do đó, theo khuyến cáo mà VEPR đưa ra, VND cần được cho phép trượt giá 3-4% một năm trong vòng 2-3 năm, thông qua nhiều bước với biên độ 1-1,5%. Cơ quan điều hành cũng cần xác định hiện tượng tăng giá của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác đang ảnh hưởng lên VND và sức cạnh tranh hàng hoá của Việt Nam, lường trước các thay đổi trong hành vi trao đổi thương mại và đầu tư.
Minh Ngọc