Tăng phí dịch vụ luôn nằm trong kế hoạch của các ngân hàng thương mại, bởi vậy sau 2 tháng bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu dừng, 4 "ông lớn" là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đã phát đi thông báo tăng phí rút tiền ATM nội mạng từ ngày 15/7.
Theo các chuyên gia, các nhà băng vẫn đang tuân thủ theo đúng quy định của Thông tư 35 về lộ trình tăng phí dịch vụ ATM nội mạng, kể cả với mức phí mới nếu được áp dụng cũng nằm trong khuôn khổ cho phép.
Tuy nhiên, đại đa số người sử dụng vẫn phản ứng gay gắt với dự định tăng phí của các ngân hàng, vì họ đang phải "gánh" quá nhiều các loại phí trên một chiếc thẻ ATM.
"Điệp khúc" tăng phí để bù lỗ
Theo thống kê của Tập đoàn dữ liệu IDG, tỷ lệ người dùng sử dụng ngân hàng điện tử (e-banking) tại Việt Nam đến cuối năm 2017 đã đạt tới 81%.
Số liệu của Hội Thẻ Việt Nam cũng cho biết đến cuối năm 2017, tổng cộng có 132 triệu thẻ được phát hành, trong đó có 77 triệu thẻ hoạt động liên tục. Cùng với đó là sự gia tăng tiện ích của các loại dịch vụ thẻ đi kèm như: Mobile Banking, Internet Banking, SMS Banking…
Tương ứng với mỗi loại sản phẩm, dịch vụ cung ứng, khách hàng phải trả tiền cho các khoản dịch vụ đã đăng ký. Tuy nhiên, rất nhiều dịch vụ hiện đang bị các ngân hàng lạm dụng, chẳng hạn như phí truy vấn số dư, in hóa đơn… Có ngân hàng thậm chí còn thu cả phí báo mất thẻ. Bởi vậy, nếu khách hàng sử dụng hết các dịch vụ của ngân hàng thì số phí này hàng tháng không hề nhỏ.
Việc tăng phí thường được các ngân hàng lý giải là để bù lỗ. Giám đốc một ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội cho hay, để duy trì một cây ATM, chi phí bỏ ra lên đến hàng chục triệu đồng/tháng như: thuê chỗ đặt máy ATM, đường truyền, bảo trì, điện, tiếp quỹ…, trong đó nặng nhất là duy trì số tiền nạp tại các máy ATM, số tiền này để tồn dư trong máy, ngân hàng sẽ không kinh doanh được nên không có lãi.
"Chi phí mỗi giao dịch rút tiền trung bình 9.000 – 10.000 đồng/ giao dịch, trong khi ngân hàng thu phí mỗi lần giao dịch cao nhất chỉ là 3.300 đồng/giao dịch", vị giám đốc này cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế, chủ thẻ ATM không chỉ dùng thẻ để rút tiền mà còn thực hiện nhiều giao dịch khác, mỗi dịch vụ đó đều phải trả tiền. "Nếu tính đúng, tính đủ, một chủ thẻ ATM phải trả hàng trăm nghìn đồng mỗi tháng để "nuôi" thẻ", một chuyên gia phản ánh.
Có ý kiến cho rằng các ngân hàng luôn kêu lỗ, nhưng trong Báo cáo tài chính hàng quý, số lợi nhuận từ mảng phi tín dụng, trong đó chủ yếu là nguồn thu dịch vụ liên tục tăng.
Chẳng hạn, trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý I, thu nhập lãi thuần với tín dụng của Vietcombank chỉ tăng 17,5%, thấp hơn mức 35,5% của mảng dịch vụ.
![]() |
Tăng phí dịch vụ luôn nằm trong kế hoạch của các ngân hàng thương mại |
Lợi nhuận cao, sao vẫn tăng phí?
Lãnh đạo Vietcombank cho biết năm 2018, ngân hàng này chọn trục trọng tâm thúc đẩy và gia tăng dịch vụ, tăng tỷ trọng đóng góp của mảng này trong cơ cấu lợi nhuận thay vì chủ yếu dựa vào tín dụng truyền thống như trước đây.
Vài năm vừa qua, các ngân hàng bắt đầu chủ trương nâng tỷ trọng lợi nhuận từ mảng phi tín dụng, trong đó chủ yếu là nguồn thu dịch vụ.
Mặc dù có lãi cao như vậy, nhưng tăng phí dịch vụ luôn nằm trong kế hoạch của các ngân hàng thương mại. Mới đây, 4 "ông lớn" là Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank đồng loạt thông báo từ ngày 15/7 sẽ tăng 550 đồng/lần giao dịch rút tiền tại ATM nội mạng lên mức phí mới là 1.650 đồng (đã bao gồm VAT).
Đáng nói, đây là lần điều chỉnh tăng thứ hai sau đợt hồi tháng 5 vừa qua – khi đó do phản ứng mạnh mẽ của dư luận nên NHNN đã yêu cầu các nhà băng tạm dừng.
Ngay sau khi 4 ngân hàng tiếp tục thông báo điều chỉnh phí dịch vụ thẻ ATM lần thứ hai trong vòng 2 tháng, một lần nữa dư luận lại dấy lên làn sóng phản đối. Đa phần các ý kiến cho rằng chủ thẻ đang phải gánh quá nhiều loại phí, trong khi số lượng phát hành thẻ của 4 "ông lớn" này chiếm đến 63% thị phần thẻ đang lưu hành trên thị trường nên tác động của việc tăng phí sẽ rất lớn, đến số đông người tiêu dùng.
Trước bức xúc trên, NHNN đã ban hành văn bản "tuýt còi" việc tăng phí của các ngân hàng.
Đại diện NHNN cho rằng quan điểm nhất quán của NHNN là các ngân hàng phải minh bạch hóa thông tin trước khi tăng phí rút tiền ATM nội mạng. Khi chưa đưa ra được những số liệu chính xác và minh bạch, việc tăng phí sẽ làm người dân bức xúc. Hơn nữa, động thái tăng gấp rút như vậy thể hiện sự nóng vội của các ngân hàng.
Việc tăng phí là quyền tự chủ của các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật, nhưng các ngân hàng cần bảo đảm nguyên tắc minh bạch thông tin và hài hòa lợi ích giữa các bên.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần tính toán trong tổng thể các loại phí mà khách hàng đang phải trả để không tạo gánh nặng về phí cho người dùng, tạo đồng thuận, chia sẻ của người sử dụng dịch vụ cũng như bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Huyền Anh