Thông tư 28/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 19/2016/TT-NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng quy định: Đối với chủ thẻ phụ là người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự được sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.
Phù hợp với tiêu dùng hiện đại
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, việc mở rộng thêm đối tượng được dùng thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ được thấu chi nhằm đồng bộ với quy định về đối tượng được vay tại các tổ chức tín dụng (theo Thông tư 39 của NHNN) và quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015.
![]() |
Các chuyên gia cảnh báo việc đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng cho đối tượng học sinh sẽ có nguy cơ gia tăng nợ xấu cho ngân hàng. |
Sau hơn 1 năm NHNN ban hành quy định này, khảo sát của VnBusiness, trên thị trường đã có nhiều ngân hàng tung ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn thu hút khách hàng từ 15 đến dưới 18 tuổi mở thẻ như: MB, BIDV, Vietcombank, Vietinbank, Sacombank, ACB…
Ví dụ tại BIDV, khi tham gia gói, khách hàng là học sinh sẽ được nhận ngay những ưu đãi dành riêng như: mở tài khoản thanh toán theo số ngày sinh; nhận ngay 50.000 đồng vào tài khoản khi đăng ký đầy đủ các sản phẩm trong gói; Miễn phí quản lý tài khoản 1 năm đầu…
Tuy nhiên, trên thực tế, một số phụ huynh vẫn còn băn khoăn việc mở thẻ tín dụng cho trẻ từ 15 tuổi không yêu cầu phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật có nguy cơ trở thành con nợ vì tuỳ tiện mở thẻ.
Anh Nguyễn Minh Đức (Hà Nội) chia sẻ: Một ngày đi học về, con trai anh khoe vừa mở thẻ tín dụng của ngân hàng MB. “Một người bạn giới thiệu cho con mở thẻ sẽ được 50.000 đồng, nếu con giới thiệu cho bạn khác mở sẽ được 50.000 đồng. Hơn nữa, thẻ tín dụng này có thể vay để chi tiêu trước đến 30 triệu đồng/tháng”. Nghe vậy, anh Đức rất lo lắng: “việc mở thẻ tín dụng quá dễ dãi với học sinh THPT khiến phụ huynh không quản lý được chi tiêu của con. Hơn nữa, việc bỗng nhiên có được số tiền lớn cũng sẽ dẫn đến hành động tiêu sài không đúng mục đích, thậm chí sử dụng chất cấm như: hút thuốc lá, ma tuý… và rủi ro về nợ xấu”.
Cùng chung quan điểm, chị Nguyễn Thu Minh (Hoàng Mai, Hà Nội) nhìn nhận: "Thẻ tín dụng thì tôi thấy chưa cần thiết vì lo không quản lý được chi tiêu của con, nhưng thẻ ATM có khoản tiền nhất định do bố mẹ cấp trong thẻ sẽ giúp con học cách quản lý tài chính".
Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Trung nói: quy định cho phép trẻ từ đủ 15 tuổi trở lên được sử dụng thẻ tín dụng ngân hàng là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, việc mua sắm online ngày càng phổ biến.
Ở các nước, ngân hàng thương mại cho phép khách hàng dưới 18 tuổi mở thẻ thanh toán để sử dụng dưới sự kiểm soát, giám sát của cha mẹ bằng cách cấp một hạn mức chi tiêu nhất định. Giúp các em chủ động hơn, thuận tiện hơn trong việc thực hiện các giao dịch mua bán hàng hóa phục vụ sử dụng phương tiện công cộng, nhu cầu học tập, đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống… của chính các em được dễ dàng.
“Giúp trẻ làm quen với dịch vụ ngân hàng hiện đại, công cụ kiểm soát tài chính từ nhỏ là xu thế chung của các nước. Qua đó cũng giúp trẻ tạo tính tự lập ”, ông nói.
Bên cạnh đó, thêm đối tượng mở, sử dụng thẻ sẽ tốt cho thị trường và khách hàng, còn mỗi ngân hàng sẽ có quy định riêng, thẩm định khả năng tài chính của từng khách hàng để kiểm soát rủi ro.
Lo sập bẫy chi tiêu
Tuy nhiên, việc cấp thẻ tín dụng cho đối tượng học sinh khiến nhiều chuyên gia băn khoăn. Ông Trung cho biết, với thẻ tín dụng chủ thẻ không cần phải trả tiền mặt ngay khi mua hàng, thay vào đó, ngân hàng sẽ ứng trước tiền cho người bán và chủ thẻ sẽ thanh toán lại sau cho ngân hàng khoản giao dịch. Tuy nhiên, đây là đối tượng vẫn còn phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, chưa có nguồn thu nhập, kiến thức về sử dụng thẻ tín dụng làm sao cho an toàn còn hạn chế. Vì vậy, cần phải cẩn trọng khi cấp thẻ tín dụng cho đối tượng học sinh.
Chia sẻ với VnBusiness, Luật sư Phạm Hữu Tú, Đoàn luật sư Hà Nội cho hay, thông thường người trẻ rất dễ "sập bẫy" chi tiêu. Nhất là các em thiếu niên từ đủ 15 tuổi chưa có kiến thức về tài chính cá nhân, quản lý tài chính cá nhân qua việc dùng thẻ, về an toàn sử dụng thẻ, cách thức kiểm soát chi tiêu, đặc biệt là thẻ tín dụng.
Thậm chí có nhiều phụ huynh cũng không có hiểu biết về loại thẻ này, do đó không thể hướng dẫn con em mình cách sử dụng đúng. Chưa kể, hiện nay tội phạm mạng ngày càng gia tăng, các em có nguy cơ trở thành "miếng mồi ngon" để kẻ xấu lợi dụng đánh cắp thông tin, tài khoản cá nhân.
Do đó, nếu trẻ không có tài sản cá nhân riêng và có thẻ tín dụng, việc chi tiêu vô tội vạ ngay cả khi không có tiền sẽ khiến cá nhân các em và phụ huynh sẽ gặp rắc rối với ngân hàng chủ thẻ khi ngân hàng yêu cầu thanh toán có tính đến lãi suất và phạt chậm trả… Khi khách hàng mất khả năng thanh toán, rơi vào vòng xoáy nợ nần, làm gia tăng nợ xấu của ngân hàng.
Luật sư Phạm Hữu Tú lưu ý: Việc mở thẻ tín dụng cho trẻ em cần phải được cả ngân hàng và phụ huynh cân nhắc cẩn thận cả những yếu tố bất lợi, thuận lợi khi dùng thẻ. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, tùy vào tính cách của từng đứa trẻ mà cha mẹ hướng dẫn cho con quyết định có nên mở thẻ hay không vào thời điểm con yêu cầu.
Giám đốc trung tâm thẻ một ngân hàng cổ phần tại Hà Nội cũng thừa nhận, khách hàng trong độ tuổi từ 15 đến dưới 18 đáp ứng được yêu cầu mở thẻ tín dụng chưa nhiều và việc triển khai cụ thể còn tùy thuộc vào từng ngân hàng. Chẳng hạn, tại ngân hàng của vị giám đốc này, điều kiện để mở thẻ tín dụng cho học sinh kèm điều kiện phải có sự bảo lãnh của bố mẹ vì ngân hàng phải kiểm soát rủi ro, tránh phát sinh nợ xấu.
Huyền Anh