Mới đây, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giảm đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm (TAND) và bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội trong vụ án “Tranh chấp tiền gửi” giữa VIB với Công ty TMHH Chế tạo cơ khí Hoa Sen (công ty Hoa Sen), và các bên liên quan là bà Nguyễn Thị Hương cùng chồng là ông Trần Văn Dần.
Sự việc hy hữu
Trong đơn đề nghị của VIB cho biết, ngày 16/4/2018, khách hàng Nguyễn Thị Hương đã mang tờ séc có giá trị 3 tỷ đồng mà chính mình là người thụ hưởng của công ty Hoa Sen đã được giám đốc ký đến VIB Thạch Thất để yêu cầu thanh toán và đã được ngân hàng chấp thuận thanh toán theo đúng quy định của pháp luật về thanh toán séc.
Sau khi được thanh toán bà Hương đã đề nghị gửi tiết kiệm toàn bộ số tiền được thụ hưởng là 3 tỷ đồng tại PGD Thạch Thất của ngân hàng VIB. Tại đây, giao dịch viên đã thực hiện nhận tiền gửi tiết kiệm của bà Hương và lập thành 3 sổ tiết kiệm mang tên Nguyễn Thị Hương.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian trước đó bà Hương và chồng bà là ông Trần Văn Dần lại có một khoản nợ vay quá hạn tại VIB theo hợp đồng tín dụng được ký ngày 27/6/2011 được phòng xử lý nợ miền Bắc của VIB quản lý.
Theo đó, ngân hàng đã phong tỏa số tiền trong tài khoản tiết kiệm của bà Hương đồng thời gửi văn bản đề nghị bà Hương và ông Dần thực hiện thanh toán khoản nợ nếu không sẽ bị thu hồi số tiền 3 tỷ đồng nhưng ông bà không đồng ý.
Do không đạt được thỏa thuận với khách hàng, VIB đã có văn bản sẽ thu hồi sổ tiền 3 tỷ đồng nói trên.
Tuy nhiên, đến ngày 27/4/2018, Công ty Hoa Sen đã gửi văn bản yêu cầu VIB trả lại số tiền 3 tỷ đồng của bà Hương và có đơn khởi kiện ngần hàng với lý do số tiền của bà Hương gửi tiết kiệm tại VIB là của công ty Hoa Sen.
Sau khi tiếp nhận, Toàn án nhân dân quận Hoàn Kiếm đã đưa vụ án tranh chấp này ra xét xử ngày 24/10/2018 và tuyên hủy giao dịch dân sự 3 quyển sổ tiết kiệm có tổng giá trị là 3 tỷ đồng mang tên bà Nguyễn Thị Thanh Hương. Đồng thời buộc VIB phải trả lại số tiền này cho công ty Hoa Sen.
Không đồng ý với nội dung bản án, VIB có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm này lên TAND TP.Hà Nội (cấp phúc thẩm) và vẫn nhận được kết quả “y án”. Đồng thời kết luận, bà Hương là đại diện của công ty Hoa Sen đến giao dịch tại VIB, do đó số tiền này là của công ty.
![]() |
Khi thực hiện hoạt động nghiệp vụ, nhân viên ngân hàng thường trao đổi tư vấn để hỗ trợ khách hàng còn việc lựa chọn giao dịch là do khách hàng chủ động |
Lý lẽ của ngân hàng
Tính đến thời điểm hiện tại, hai bản án của TAND quận Hoàn Kiếm và TAND TP.Hà Nội đã có hiệu lực nhưng VIB lại cho rằng, kết luận của của cả hai bản án là không có căn cứ, không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, gây thiệt hại cho ngân hàng.
VIB cho rằng, giao dịch viên của ngân hàng không hề lừa dối hay ép buộc khách hàng gửi tiết kiệm mà đây là quyết định chủ động của bản thân khách hàng. Người thụ hưởng séc được toàn quyền quyết định số tiền được lĩnh sau khi thanh toán séc.
Nếu Công ty Hoa Sen cho rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm trong giao dịch thanh toán séc cho bà Hương thì đối tượng mà Công ty Hoa Sen khởi kiện là bà Hương chứ không phải VIB.
Ngoài ra, khi gửi tiết kiệm tại VIB, bà Hương không hề cung cấp hay thông báo bất kỳ văn bản nào của Công ty Hoa Sen ủy quyền cho bà Hương mang tiền của công ty đi thực hiện giao dịch gửi tiết kiệm.
Do đó, quan hệ gửi – nhận tiền tiết kiệm giữa bà Hương và VIB là hoàn toàn hợp pháp và rõ ràng và không có giao dịch nhận tiền gửi tiết kiệm với công ty Hoa Sen.
Theo quan điểm của VIB, các cấp Tòa án giải quyết vụ án chỉ dựa trên suy luận chủ quan không có căn cứ pháp luật, áp đặt khi cho rằng việc VIB phong tỏa số tiền 3 tỷ đồng để thu hồi nợ là sai với quy định của pháp luật.
Trên thực tế, tại hợp đồng tín dụng giữa VIB và bà Nguyễn Thị Hương, ông Trần Văn Dần đã có điều khoaản “VIB được quyền trích tài khoản tiền gửi của bên vay mở tại VIB để thu hồi gốc, lãi và các khoản phí phát sinh (nếu có) theo biểu phí của VIB” và “Nếu bên vay hoặc bên bảo lãnh (nếu có) vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào trong hợp đồng này hoặc hợp đồng bảo đảm tiền vay thì VIB được quyền quyết định trích tiền từ bất kỳ tài khoản nào của bên vay để thu hồi nợ trước hạn”.
Mọi thỏa thuận đều được bà Hương và ông Dần tự nguyện, tự do xác lập với ngân hàng, do đó, việc VIB trích tiền để thu hồi nợ đã được thực hiện hoàn toàn hợp pháp.
VIB cho rằng, quyết định trả lại số tiền cho khách hàng tại hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm là đang tước đi quyền thu hồi nợ hợp pháp của ngân hàng, ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của đơn vị này.
Tại đơn đề nghị, VIB cũng dẫn chứng ra một “điều lạ” là khi ngân hàng yêu cầu TAND Hà Nội cung cấp bản án phúc thẩm thì nhận được sự từ chối nhưng công ty Hoa Sen lại có bản án này và đến yêu cầu ngân hàng trả tiền vào ngày 26/2/2019.
Trên thực tế, các giao dịch phát sinh tranh chấp không phải là sự việc quá xa lạ đối với ngành ngân hàng, thậm chí nhiều chuyên gia pháp chế cho rằng, do kinh tế khó khăn, những cuộc tranh chấp kiện tụng diễn ra ngày càng nhiều.
Trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan luật pháp là cần làm rõ ai đúng ai sai theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo sự công bằng cho các bên liên quan.
Huyền Trang