Một cổ đông đặt câu hỏi với lãnh đạo TPBank về khoản vay của CTCP Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (Vinahud). Hiện tại, theo báo cáo tài chính của Vinahud, TPBank đang cho vay 1.900 tỷ đồng, trong khi công ty này đang lỗ luỹ kế 200 tỷ đồng.
Đánh giá về rủi ro của khoản vay này, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho rằng TPBank có nhiều khách hàng lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, TPBank luôn tuân thủ những quy định về cấp tín dụng để đảm bảo rủi ro, có tài sản đảm bảo, trừ những gói nhỏ cho vay cá nhân. Ở đây không có chuyện đảo nợ. Các khoản cấp tín dụng đều đủ điều kiện cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật hiện hành.
Chủ tịch Đỗ Minh Phú khẳng định mục tiêu đạt 7.500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm nay sẽ hoàn thành. |
“Câu chuyện về rủi ro tín dụng là vấn đề thận trọng với ngân hàng, nên ngân hàng sẽ không mạo hiểm với những khoản nợ có rủi ro cao. Đối với các dự án có hồ sơ có pháp lý đầy đủ, tài sản đảm bảo tốt thì ngân hàng mới đầu tư vốn. Chúng tôi tin rằng sẽ có hiệu quả trong tương lai”, ông Hưng nói.
Về khoản nợ của Novaland và Hưng Thịnh, Tổng giám đốc TPBank cho hay, hiện nay, dư nợ của Novaland không nhiều, chỉ một khoản trái phiếu và một khoản vay cho dự án khá tốt đang khởi động lại. “Chúng tôi đánh giá thu hồi nợ cao. Còn lại các khoản vay cá nhân không cho vay nhiều, chỉ trên dưới 3.000 tỷ. Khi thị trường bất động sản ấm hơn thì rủi ro cũng sẽ giảm”, ông Hưng kỳ vọng.
Đồng thời, Tổng giám đốc TPBank cho biết: Ngân hàng đang xem xét tài trợ thêm để Novaland có thể tiếp tục triển khai thêm các dự án, tiếp tục bán các căn hộ còn lại hoặc hoàn thiện các căn để mở bán.
Về dư nợ của Hưng Thịnh, ông Hưng thông tin, "cũng đã được xử lý xong các khoản nợ lớn, chuyển nhượng cho người khác mua lại. Thực tình, chúng tôi cũng hơi tiếc, lúc khách hàng không trả được nợ thì khá lo, nhưng mà họ trả xong thì cũng tiếc".
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, Hội đồng quản trị (HĐQT) TPBank đề xuất kế hoạch lợi nhuận trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 34,2% so với năm trước. Tuy nhiên, mục tiêu này vẫn thấp hơn kế hoạch năm 2023 (8.700 tỷ đồng) hoặc thực hiện năm 2022 (7.828 tỷ đồng). Năm ngoái, TPBank thực hiện được 64% kế hoạch đã đề ra.
Năm 2024, tổng tài sản dự kiến tăng 9,36% lên 390.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng 15,75% lên 251.821 tỷ đồng, huy động vốn tăng 3,31% lên 327.000 tỷ đồng.
Chia sẻ thêm về mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, ông Nguyễn Hưng cho biết, năm 2024, TPBank được Ngân hàng Nhà nước phân bổ "room" tăng trưởng tín dụng 15,75%. Nếu sử dụng hiệu quả, chất lượng tài sản tốt thì ngân hàng có cơ hội được xin thêm "room" về cuối năm. "Chúng ta tuy không phải là ngân hàng lớn nhưng đã tích cực tham gia các chương trình giảm lãi, lĩnh vực ưu tiên, phát triển nhà ở thu nhập thấp,…là những điểm sẽ được đánh giá", ông nói.
Dự kiến, dư nợ tín dụng TPBank sẽ đạt 252.000 tỷ đồng cuối năm 2024. Dư nợ trái phiếu giảm dần trong 3 năm qua, đến hiện tại chỉ còn 9.000 tỷ đồng. Hoạt động trái phiếu đảm bảo an toàn, không phát sinh vấn đề.
Về định hướng tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo TPBank cho biết ngân hàng tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cá nhân. “Trong 2023 thì thị trường có một số rung lắc nhất định nhưng năm 2024 kỳ vọng sẽ tốt hơn rất nhiều. Từ quý II hoặc nửa sau 2024, việc đẩy vốn ra thị trường sẽ tốt hơn”, đại diện TPBank cho hay.
Chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I/2024, Tổng giám đốc TPBank cho biết: "Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đến thời điểm này khá khả quan. Trong 3 tháng đầu năm, lợi nhuận TPBank đạt 1.829 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 4 đạt hơn 2.500 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu cũng đang giảm dần".
Trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho hay: "Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trên 34% trong năm 2024 là con số rất cao, đây là bước đi nhanh bù lại giai đoạn đi chậm để xử lý nợ xấu của ngân hàng trong năm 2023. Đây là thử thách rất lớn, tuy nhiên với các con số đến hết tháng 4, chúng tôi tự tin rằng sẽ hoàn thành kế hoạch 7.500 tỷ đồng".
Đại hội cũng sẽ xem xét phương án chi trả cổ tức năm 2023 (thực hiện trong năm 2024) với tỷ lệ 25% (bằng tiền mặt 5% và cổ phiếu 20%). Nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo Báo cáo tài chính đã kiểm toán.
Chủ tịch TPBank cho biết, năm 2023 ngân hàng đã bỏ ra gần 4.000 tỷ để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, là con số tuyệt đối rất lớn. Tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt 25%, cổ phiếu thưởng hơn 39% là nỗ lực của toàn thể ngân hàng, tri ân các cổ đông đã đồng hành với ngân hàng trong thời gian dài.
"Trong năm 2023, chưa khi nào quyền lợi của cổ đông lớn như vậy. Công tác cổ đông không chỉ thuần tuý chuyện cổ tức, chúng tôi cũng quan tâm tới cổ đông, tăng cường việc công khai minh bạch, sẵn sàng trả lời các câu hỏi của cổ đông, bao gồm cả cổ đông lớn và cổ đông nhỏ lẻ. Nhiều cổ đông cũng chia sẻ với tôi là cổ tức lớn hơn kỳ vọng của họ", Chủ tịch HĐQT TPBank nói.
Thanh Hoa