Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật các TCTD, nhiều đại biểu cho rằng, nếu như Nghị quyết tập trung xử lý “phần ngọn” – là tài sản bảo đảm của nợ xấu, việc sửa đổi Luật các TCTD phải xử lý cho được “phần gốc”. Đó là tạo hành lang pháp lý cho việc phát hiện, phục hồi TCTD yếu kém, ngăn ngừa sở hữu chéo và dòng vốn ảo trong nền kinh tế.
Ngăn ngừa vốn ảo, sở hữu chéo
Dự thảo Luật sửa đổi lần này được đánh giá có nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là việc NHNN bổ sung trường hợp mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của TCTD trở lên phải được cơ quan này chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện.
Theo quy định, trong trường hợp này, bên mua, bên nhận chuyển nhượng phải kê khai cụ thể các nguồn vốn sử dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần và có văn bản cam kết không sử dụng nguồn vốn do TCTD cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần.
Liên quan đến nguồn vốn trong các giao dịch này, dự Luật nêu rõ: TCTD không được cấp tín dụng cho khách hàng để góp vốn, mua cổ phần của TCTD (sửa đổi Khoản 6 Điều 126).
Đại diện NHNN giải thích, các quy định này nhằm minh bạch nguồn vốn góp của cổ đông, ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, tăng vốn ảo. Trước đây, chỉ các giao dịch của cổ đông sáng lập và cổ đông lớn (sở hữu từ 5% cổ phần trở lên) mới cần được NHNN phê duyệt, điều này đã tạo nhiều kẽ hở cho tình trạng sở hữu chéo.
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng trong thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.
![]() |
Mua bán, chuyển nhượng tư 1% cổ phần của các TCTD phải được NHNN chấp thuận
Thực tiễn cho thấy rất khó phát hiện và kiểm soát đối với trường hợp cố tình sở hữu hộ hoặc sở hữu che giấu qua nhiều chủ thể.
Dù tình trạng sở hữu chéo thời gian qua đã được kiểm soát chặt chẽ và dần xử lý, song các chuyên gia ngân hàng cho rằng vẫn còn một số TCTD đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Phát biểu tại hội thảo, một đại biểu cho rằng trước đây, Luật các TCTD cũng đã có những chế tài kiểm soát sở hữu chéo như quy định, người đóng góp cổ phần không được vay vốn tại TCTD đó. Tuy nhiên, do khung pháp lý chưa cụ thể, chưa có giải pháp, chưa chặt chẽ nên tình trạng sở hữu chéo vẫn diễn ra.
Một số TCTD vẫn còn tình trạng cổ đông là tổ chức sở hữu trên 15% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan sở hữu trên 20% vốn điều lệ. Trong đó, tỷ lệ sở hữu lớn chủ yếu tại một số doanh nghiệp nhà nước chưa khắc phục xong.
Các chuyên gia kỳ vọng, quy định chuyển nhượng 1% cổ phần sẽ chấm dứt được tình trạng sở hữu chéo. Tuy nhiên, để làm được điều này, đại diện Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho rằng cần phải làm rõ bởi vì quy định vẫn còn chung chung, chưa cụ thể, dễ gây hiểu nhầm.
Vị đại diện này cho hay, đối chiếu sang với Luật Chứng khoán cho thấy, cứ 1% phải xin phép NHNN, các TCTD sẽ lách luật bằng cách mua bán ở 0,9% để không phải báo cáo. Do đó, theo vị đại diện này, ngoài quy định 1% nên bổ sung thêm điều khoản: giao dịch cộng dồn, nếu tổng giá trị giao dịch đạt 1% là phải xin phép.
Đặc biệt với các ngân hàng đã niêm yết trên thị trường, khi các lệnh mua, bán đã khớp sẽ không biết ai mua, ai bán và ai đang nắm giữ bao nhiêu cổ phần, chỉ đến Đại hội đồng cổ đông mới biết được chính xác.
Chuyên gia đến từ ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng thẳng thắn đưa ra quan điểm, rất thấu hiểu nỗi lo lắng của NHNN về tình trạng cổ đông lớn sở hữu chi phối, song nếu chuyển nhượng 1% cũng phải có xác nhận bằng văn bản sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư.
Thời gian qua, sở hữu chéo tại Việt Nam đã bị một số người lạm dụng để các cổ đông chi phối và cấp vốn theo mục đích riêng làm cho đồng vốn chạy lòng vòng, gây tình trạng đội vốn ảo hàng nghìn tỷ đồng.
Đồng thời gây gia tăng xung đột lợi ích, thiếu minh bạch trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường vì không biết được trong số vốn của các cổ đông, bao nhiêu phần trăm là vốn ảo.
Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và tham nhũng (C46 Bộ Công an), cũng từng cho rằng nguyên nhân của tình trạng này một phần là do Luật các TCTD chỉ quy định tỷ lệ sở hữu vốn và cổ phần, nhưng không quy định việc bắt buộc phải khai báo nguồn tiền mua cổ phần và không cấm việc vay vốn để mua cổ phiếu.
Ma trận sở hữu chéo, đầu tư chéo vì lợi ích nhóm trên thị trường ngân hàng và doanh nghiệp cổ phần ở Việt Nam là nguồn gốc của nợ xấu.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng việc sửa đổi bổ sung dự án Luật các TCTD cần hướng tới mục đích nữa là hạn chế rủi ro, phòng ngừa mất an toàn, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém.
Huyền Anh