Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, đã đến lúc cần giám sát tín dụng tiêu dùng để tránh biến tướng, đảm bảo loại hình tín dụng này phát triển một cách bền vững mà không phải là tăng trưởng nóng, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ.
Tăng gần 30%
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết, tính đến cuối năm 2016, dư nợ tiêu dùng đạt 646.000 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng dư nợ của nền kinh tế. VCSC dự báo, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.
Theo tính toán của Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, nếu tiêu dùng Việt Nam tăng thêm khoảng 1%, nền kinh tế sẽ có thêm khoảng 38.000 tỷ đồng, giúp GDP năm 2017 đạt 6,7% kế hoạch đã đề ra.
Tín dụng tiêu dùng tăng nhanh đang trở thành một trong những động lực lớn của tăng trưởng, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng GDP. Hiện nay, tỷ trọng tiêu dùng trong GDP của nước ta đạt 78,34%, cao hơn các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, tỷ trọng tiết kiệm chỉ ở mức 22%.
Thực tế, sự chênh lệch giữa hai con số trên khiến không ít chuyên gia kinh tế lo ngại nguy cơ tăng trưởng nóng. Hiện tỷ lệ người tiêu dùng vay tiền để tiêu xài cao hơn nhiều so với đầu tư.
![]() |
Tín dụng tiêu dùng sẽ trở thành nguy cơ nếu rót chủ yếu vào tiêu dùng xe sang, hàng ngoại đắt tiền
Theo phân tích của các chuyên gia, không ít người vay tiêu dùng để mua các mặt hàng xa xỉ như xe sang, điện thoại cao cấp, mua nhà để đầu cơ… Trong khi đó, số người tiêu dùng “dưới chuẩn” có nhu cầu mua xe máy, ô tô để làm tư liệu sản xuất, kinh doanh lại khó tiếp cận với vốn vay do không đủ điều kiện được vay.
Ts. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cảnh báo cần xem xét lại một vài thành tựu trong những năm qua về tín dụng tiêu dùng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hoạt động cho vay này tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu là mua nhà và ô tô. Thậm chí, còn có sự biến tướng khi một số công ty, tập đoàn bất động sản cho cán bộ nhân viên vay mua nhà của chính mình, không tạo ra thanh khoản thực sự trên thị trường.
So với cuối năm 2016, cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 29,7%, trong đó cho vay sửa chữa nhà ở và mua nhà để ở tăng 38,4%, chiếm 52,8% tổng tín dụng tiêu dùng. Cuối năm 2016, con số này là trên 49%.
Ông Nghĩa khuyến cáo: “Đã đến lúc cần giám sát tín dụng tiêu dùng để tránh biến tướng, đảm bảo loại hình tín dụng này phát triển một cách bền vững mà không phải là tăng trưởng nóng, dẫn đến nguy cơ đổ vỡ”.
Cần quản lý chặt chẽ rủi ro
Dẫu vậy, các chuyên gia cũng ghi nhận “công lao” của vay tiêu dùng đã góp phần giảm tín dụng đen, đặc biệt ở các vùng nông thôn, với lãi suất vay tiêu dùng tuy cao hơn gấp ba lần so với lãi vay của ngân hàng cùng kỳ hạn nhưng nếu so sánh với tín dụng đen, mức vay này vẫn thấp hơn nhiều.
Ông Đàm Thế Thái – Phó Tổng Giám đốc HD Saison, cho biết, gần 10 năm qua, cho vay tiêu dùng có ý nghĩa rất lớn đối với ổn định xã hội. Tuy nhiên, tín dụng tiêu dùng mới phục vụ 1/3 – 1/4 tổng lượng khách hàng có nhu cầu.
Thực tế cho thấy, nhiều người dân ở nông thôn không tiếp cận được tín dụng tiêu dùng nên đã đi vay xã hội đen, đã có nhiều vụ việc thương tâm khi người dân bị xã hội đen đánh đập, gây ra cảnh tan cửa nát nhà. Do đó, việc mở rộng các công ty tài chính ở những khu vực nông thôn sẽ giúp người “dưới chuẩn” thoát được tín dụng đen.
Hiện nay, nhiều công ty cho vay tiêu dùng hướng kinh doanh đang tập trung vào nhóm khách hàng trong độ tuổi lao động, có thu nhập trung bình và thấp, đa phần là công nhân, tiểu thương và các vùng nông thôn… nơi các ngân hàng thương mại không nhắm tới.
Bên cạnh đó, những công ty này còn đa dạng các sản phẩm cho vay, không chỉ mỗi cho vay mua nhà, ô tô, xe máy, mà còn cho vay để làm đám cưới, hỗ trợ sinh viên các trường dạy nghề, trường Anh ngữ…
Và dù dư địa cho vay tiêu dùng ở vùng nông thôn là rất lớn, dự báo có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, song các chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, với nhóm đối tượng dân cư nông thôn có thu nhập thấp “dưới chuẩn”, cần phải có chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ.
Bà Nguyễn Phương Thanh, Chủ nhiệm Cao cấp, Bộ phận Tư vấn Dịch vụ Ngân hàng Tài chính, EY Việt Nam, cho hay để có thể vừa thu hút khách hàng mới, mở rộng thị phần tại khu vực nông thôn, vừa quản lý rủi ro tín dụng hiệu quả, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, các công ty tài chính tiêu dùng cần phải áp dụng những cách thức tiếp cận mới ngay từ việc đánh giá để phân khúc khách hàng thành các nhóm khác nhau, giúp cho các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ.
Bà Thanh nêu ví dụ, với nhóm khách hàng có thu nhập khá, họ có thể vay để mua điều hòa, tủ lạnh, máy giặt… trong khi nhóm khách hàng có thu nhập thấp chỉ có thể vay để mua các sản phẩm như tivi, quạt điện… Việc này sẽ giảm đáng kể tỷ lệ nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng.
Ngoài ra, theo bà Thanh, kỹ năng và kinh nghiệm của cán bộ thẩm định cũng sẽ góp phần không nhỏ vào việc kiểm soát nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng.
Huyền Anh