Theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), trong năm 2017, tín dụng tiêu dùng tăng tới 65%. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Thời báo Kinh Doanh, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược ngân hàng, khẳng định cho vay tiêu dùng trong thời gian qua tăng trưởng mạnh, nhưng số liệu của Viện có được cho thấy mức tăng trưởng không phải là nóng như một số thông tin trên báo chí gần đây.
Nhìn vào con số tăng trưởng tín dụng tiêu dùng trong năm 2017, nhiều chuyên gia nhận định mức tăng này rất “nóng”. Còn quan điểm của ông?
Tài chính tiêu dùng là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam những năm gần đây. Đặc biệt là sự tham gia của các công ty tài chính càng làm cho thị trường trở nên sôi động.
Tuy nhiên, sự phát triển này mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu vay tiêu dùng của xã hội. Dù mức tăng trưởng tín dụng tiêu dùng là bao nhiêu thì thực tế là nhu cầu của người dân về tín dụng tiêu dùng vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ. Việc tiếp cận tín dụng qua kênh chính thức của người dân vẫn còn khá khiêm tốn.
Vì vậy, không nên cho rằng tín dụng tiêu dùng đang tăng trưởng nóng. Thực tế, tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Hiện, tỷ trọng cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ ở mức trên 10%. Trong khi đó, tại nhiều nước, dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tới trên 50% như Mỹ, Hàn Quốc hay ngay quốc gia trong khu vực là Malaysia.
![]() |
Tổng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng cấp cho nền kinh tế đạt khoảng 5,6 triệu tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính mới chỉ khoảng hơn 50.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,01%).
Sự ra đời của các công ty tài chính thời gian gần đây có phải là đối thủ cạnh tranh của các ngân hàng không, thưa ông?
Sự xuất hiện của các công ty tài chính tiêu dùng đã đưa đến nguồn cung tín dụng cho nhóm khách hàng dưới chuẩn, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng.
Những khoản cho vay của công ty tài chính là những khoản vay nhỏ từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, nguy cơ rủi ro nợ xấu cao mà để an toàn hệ thống cũng như tuân thủ quy định của pháp luật, các ngân hàng không thể cho vay…
Chính vì thế, nói công ty tài chính là đối thủ cạnh tranh với ngân hàng, ngay cả trong hoạt động cho vay tiêu dùng là không chính xác.
Ngược lại, chính các công ty tài chính còn là khách hàng của các ngân hàng thương mại, bởi chính các ngân hàng là kênh cấp vốn đầu vào quan trọng cho các công ty tài chính.
Dư nợ cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính rất nhỏ. Tính đến nay, tại Việt Nam, tổng dư nợ tín dụng ngành ngân hàng cấp cho nền kinh tế đạt khoảng 5,6 triệu tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính mới chỉ khoảng hơn 50.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 0,01%).
Tính riêng trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng, các công ty tài chính cũng mới chỉ chiếm lĩnh được dưới 5% tổng dư nợ cho vay.
Gần đây, trong dư luận đang lùm xùm câu chuyện lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính quá cao. Là chuyên gia trong lĩnh vực này, ông nhận định ra sao về vấn đề này?
Qua quan sát, hầu hết khách hàng tìm đến công ty tài chính để vay tiêu dùng là nhóm khách hàng có mức độ rủi ro cao, nên khi ký hợp đồng vay họ phải chịu lãi suất cao hơn một số nhóm khách hàng khác. Thống kê của một số công ty tài chính cho thấy khoản vay có lãi suất cao chỉ khoảng trên 10% tổng dư nợ. Như vậy, số khách hàng phải chịu mức lãi suất cao là không quá lớn trong tổng thể cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Trong khi đó, chi phí vốn đầu vào của các công ty tài chính hơn ngân hàng, do khoản vay nhỏ, kỳ hạn ngắn… Bản thân hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng rủi ro rất cao nên luật khống chế không cho họ hoạt động huy động tiền từ dân cư. Đây cũng là yếu tố khiến cho lãi suất cho vay từ công ty tài chính cao hơn nhiều so với lãi vay thương mại của ngân hàng.
Thực tế cho thấy lĩnh vực này vẫn còn một số biến tướng. Theo ông, cơ quan quản lý có nên siết chặt hơn hoạt động của công ty tài chính, đặc biệt các tổ chức tín dụng và người tiêu dùng?
Trên thực tế, sự đóng góp của tín dụng tiêu dùng đối với nền kinh tế là không nhỏ, đã hỗ trợ cho người vay, giúp nhiều hộ gia đình tích lũy tài sản, chi tiêu thông minh nhất.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp biến tướng. Để chấn chỉnh tình trạng này, cách quản lý đơn giản nhất là phải minh bạch những điểm mấu chốt như: niêm yết lãi suất, phương thức thu hồi lãi, phí phạt, phí trả trước…
Tóm lại là tất cả những nội dung quan trọng để quan hệ giữa khách hàng và tổ chức cho vay phải thực sự bình đẳng, không thiên vị bất cứ bên nào. Đây là hợp đồng dân sự thỏa thuận, nên phải khách quan giữa hai bên. Khi các cơ quan nhà nước quan tâm chuẩn hóa các hợp đồng thì tự họ sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật
Huyền Anh ghi