Cụ thể, tính đến hết tháng 10, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố đạt 2.433 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước, giảm nhẹ so với mức tăng 1,1% của tháng 9 và là mức tăng trưởng theo tháng thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.
Lũy kế 10 tháng đầu năm tín dụng tăng 10,4% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Về cơ cấu tín dụng, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 989 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và tăng 12,4%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.444 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 9,1%.
![]() |
Tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội trong 10 tháng đạt 10,4%. |
Cũng trong ngày 1/11, trong bản tin thị trường tiền tệ trái phiếu được Công ty Chứng khoán SSI công bố đánh giá: “Dư nợ tín dụng của Hà Nội chiếm khoảng 25% tổng dư nợ của cả nước, do vậy tín dụng tăng chậm ở Hà Nội cũng phần nào cho thấy tăng trưởng tín dụng cả nước chưa thể bật nhanh trong tháng 10. Đây là thời điểm thích hợp các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ nên được triển khai nhằm kích cầu nền kinh tế, bao gồm các gói hỗ trợ tài khóa (giảm thuế, giảm phí, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, đẩy nhanh đầu tư công…".
Tính đến hết tháng 10, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt 4.175 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng 9-2021 và tăng 8,4% so với thời điểm kết thúc năm 2020. Trong đó, tiền gửi đạt 3.803 nghìn tỷ đồng; phát hành giấy tờ có giá đạt 372 nghìn tỷ đồng.
Về mặt bằng lãi suất cho vay, lãi suất huy động bằng VND của các ngân hàng phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,5-4%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4-6,3%/năm kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5-7%/năm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Trong khi đó, lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 5,5-7,5%/năm với ngắn hạn; 7,5-8,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm.
Đáng chú ý, tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tài sản của các TCTD. Mặc dù các TCTD tích cực nâng cao năng lực quản lý rủi ro đi với các khoản vay thông qua việc cảnh báo sớm nhằm phát hiện các khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu, nhưng nợ xấu vẫn gia tăng. Tính đến hết tháng 10, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,9% trong tổng dư nợ và 2,1% trong tổng dư nợ cho vay.
Thanh Hoa