Các kênh huy động vốn của doanh nghiệp đều đang bị ách tắc khi ngân hàng đã hết room tín dụng từ giữa quý II, trong khi quý IV gần như không có doanh nghiệp nào huy động được trái phiếu mới.
Thiếu vốn không "nằm" ở ngân hàng
Mới đây, chiều 27/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ, ngành đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi kiến nghị với Thủ tướng xem xét nới room tín dụng thêm 2% nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cho phép sử dụng nguồn tiền gửi tại 4 ngân hàng quốc doanh để giải ngân cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, thanh toán kỳ hạn ngắn giúp doanh nghiệp vượt khó khăn trước mắt.
Hiện, tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng bình quân vượt 100%. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Thống kê từ báo cáo tài chính quý III/2022 của các ngân hàng cho thấy, bản thân các ngân hàng hiện nay cũng đang ở tình trạng "đói" vốn. Biểu hiện là tỷ lệ cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng bình quân vượt 100%, trong khi cuối năm 2021 chỉ ở mức 97,9%.
Tình trạng căng thẳng nguồn vốn của hệ thống là rất dễ hiểu khi tín dụng 10 tháng tăng 11,5%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 4,8%. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, hiện nay, dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn về hệ số an toàn vốn.
"Ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước có nới thêm room tín dụng, thì ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm", TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết.
Còn theo TS. Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS), thanh khoản hiện tại bị tắc nghẽn không nằm ở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và ngân hàng thương mại (NHTM), bởi họ vẫn đang luân chuyển tiền thông qua quản lý thị trường mở rất tốt. Còn thanh khoản giữa NHTM và các thành phần kinh tế khác mới đang là vấn đề.
Theo tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV của NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, tồn ngân quỹ Nhà nước hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế.
Do đó, có ý kiến cho rằng Bộ Tài chính, cần phải tìm cách giải phóng 1 triệu tỷ đầu tư công đang bị "nhốt" tại hệ thống ngân hàng.
Thay đổi cơ chế điều hành room tín dụng
Từ những vấn đề trên, nhiều ý kiến khẳng định, tín dụng không phải là "tội đồ" gây nghẽn vốn của nền kinh tế, và đến thời điểm hiện tại dù nới room hay không nới room thì việc cấp vốn cho nền kinh tế cũng không đơn giản.
Vấn đề được các chuyên gia cho là mấu chốt đó là cơ chế điều hành room tín dụng năm nay cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập và nhà điều hành cần rút kinh nghiệm.
Biểu hiện là, tình trạng tín dụng tăng phi mã trong nửa đầu năm (có thời điểm tăng 17% so với cùng kỳ) sau đó gần như đóng băng trong nửa cuối năm khiến nhiều doanh nghiệp vỡ kế hoạch kinh doanh.
TS. Trần Minh Tuấn cho rằng, NHNN không nên bó cứng room tín dụng cho toàn ngành, mà chỉ nên quy định room ở một số nhóm ngành có tính đầu cơ cao, nhất là cho vay đầu tư chứng khoán.
Riêng với tín dụng bất động sản, chỉ nên quy định trần với phân khúc có tính đầu cơ cao (như cho vay mua đất nền) và không nên bó room với phân khúc phục vụ nhà ở thật, nhà ở xã hội…
Còn tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2022 tổ chức cuối tuần qua, nói về cơ chế điều hành room tín dụng, TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đưa ra kiến nghị sớm chấm dứt việc sử dụng trần tín dụng cũng như các can thiệp hành chính trực tiếp khác trên thị trường vốn/tiền tệ. Thay vào đó, kiểm soát tiền cơ sở và cung tiền và điều tiết gián tiếp qua lãi suất mục tiêu.
Bởi theo vị chuyên gia này, mục tiêu cao nhất của kiểm soát lạm phát là kiểm soát được cung tiền, đặc biệt là tiền cơ sở (tiền in ấn mới phát hành bởi NHNN), không phải kiểm soát tín dụng. Trong khi đó, mặt trái của trần tăng trưởng tín dụng đó là ngành ngân hàng trở nên kém cạnh tranh.
"Các ngân hàng tốt hay xấu đều được chia hạn mức, không ngân hàng nào có thị phần giảm sút, hay nói cách khác, thị phần của ngân hàng không gắn với khả năng cạnh tranh khi vướng trần cho vay", TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Ngoài ra, hệ thống dư thừa dự trữ, thường là do hậu quả của việc tiền tệ hóa thâm hụt ngân sách; nắn dòng vốn từ ngân hàng vào trái phiếu chính phủ, từ đó làm giảm đầu tư tư nhân.
Việc áp dụng trần tín dụng còn gây hậu quả là dòng vốn có thể "trá hình" sang các dạng khác. Từ đó, kéo theo các can thiệp hành chính khác, hạn chế sự phát triển hệ thống tài chính. Đồng thời, đối diện với nguy cơ chuyển dịch tiết kiệm/tài sản trong nước ra nước ngoài.
Huyền Anh