Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, có đến 80% nguồn vốn huy động của hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường. Trong khi đó, trước áp lực của nền kinh tế, việc sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn được một số ngân hàng sử dụng như một giải pháp tình thế. Vì vậy, Thông tư 04 không chỉ giúp khách hàng hưởng lợi mà cũng hỗ trợ ngân hàng trong việc cơ cấu nguồn vốn để cho vay trung dài hạn tốt hơn.
Loạt ngân hàng nhập cuộc triển khai quy định mới
Ngay khi Thông tư 04 quy định người gửi tiền rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm thì số tiền còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu, có hiệu lực từ ngày 1/8, hàng loạt ngân hàng tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại để hút tiền gửi.
![]() |
Quy định người gửi tiền rút trước hạn một phần sổ tiết kiệm thì số tiền còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất ban đầu mang lại lợi ích cho cả khách hàng và ngân hàng. (Ảnh: Int) |
Điển hình, NCB cho ra mắt sản phẩm tiết kiệm "Rút gốc linh hoạt" không giới hạn số lần khách hàng rút gốc trước hạn. Đặc biệt, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày ra mắt sản phẩm, NCB còn áp dụng chính sách cộng thêm 0,1%/năm lãi suất tiết kiệm cho tất cả khách hàng gửi tiết kiệm "Rút gốc linh hoạt".
Trong khi đó, VietABank còn đưa ra chính rút tiền linh hoạt áp dụng cho toàn bộ các khoản tiền gửi đang gửi tại ngân hàng, kể cả các khoản tiền gửi trước ngày 1/8.
Đáng chú ý, "ông lớn" VietinBank vừa chính thức cho ra mắt sản phẩm mới "Tiền gửi rút gốc linh hoạt" giúp gia tăng tối đa lợi ích của khách hàng trong việc quản lý tài chính. Với sản phẩm này, khách hàng của VietinBank cũng không bị giới hạn số lần rút trong kỳ gửi tiền.
Một số ngân hàng khác như Viet Capital Bank, SCB, SHB, ABBank,... cũng bắt đầu cho khách hàng được rút trước hạn một phần tiền gửi với lãi suất không kỳ hạn, số dư còn lại tiếp tục được hưởng mức lãi suất ngân hàng đã cam kết.
Theo Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 04 được ban hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng phát triển sản phẩm huy động vốn ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, quy định này kỳ vọng sẽ giúp các nhà băng thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn trong bối cảnh gửi tiết kiệm vẫn là "kênh đầu tư hấp dẫn" cho dòng tiền nhàn rỗi của đông đảo người dân.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là liệu áp dụng việc cho phép khách hàng rút một phần tiền gửi liệu có nguy cơ gây ảnh hưởng tới thanh khoản thị trường, làm xáo trộn, không cân đối được dòng tiền của các ngân hàng?
Các chuyên gia cho rằng, số lượng khách hàng rút tiền trước hạn không đáng kể, vì vậy, sự xáo trộn dòng vốn không đáng lo, bởi mỗi ngân hàng sẽ phải đặt ra quy tắc quản trị dòng tiền tốt hơn.
“Cởi trói” để ngân hàng huy động vốn trung, dài hạn
Chị Nguyễn Hiền Linh, nhân viên giao dịch tại một ngân hàng cho biết, từ khi ngân hàng áp dụng chương trình rút tiền linh hoạt, lượng khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn dài tăng mạnh. “Đa phần người dân dự phòng phải chi bất ngờ số tiền lớn sẽ chọn các kỳ hạn ngắn vì bản thân khách hàng không ai muốn phải rút vốn trước hạn. Tuy nhiên, với quy định mới, khách hàng không phải đắn đo bị thiệt thòi mà mạnh dạn chọn các kỳ hạn dài hơn để hưởng lãi suất cao hơn”, chị Linh nói.
Anh Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH nhôm kính TCM chia sẻ, có thời điểm tiền nhàn rỗi của công ty lên đến 10 tỷ đồng, số tiền này được gửi tại ngân hàng với lãi suất 3,5%/năm, tính ra mỗi tháng tiền lãi khoảng 30 triệu đồng. Thế nhưng, trước đây do có việc cần tiền gấp buộc công ty phải rút một phần tiền gửi nên toàn bộ số tiền gửi quay về mức lãi suất không kỳ hạn 0,1%/năm, tương đương tiền lãi từ mức 30 triệu đồng/tháng rơi thẳng xuống chỉ còn gần 840 nghìn đồng/tháng.
“Như vậy, bỗng nhiên chúng tôi bị “mất oan” khoản tiền lãi lên đến hơn 29 triệu đồng do rút trước hạn. Đây là số tiền lớn, bởi có thể dùng để chi trả lương cho 3-5 nhân viên, tùy theo vị trí công việc”, anh Cường nói.
Đồng thời vị giám đốc này cho biết, thay vì gửi tiết kiệm kỳ hạn 2-3 tháng như trước đây, lần tới đây, công ty sẽ gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng để hưởng lãi suất lên tới 7%, tức là gấp hơn 2 lần.
Không chỉ "cởi trói" cho những băn khoăn, đảm bảo lợi ích cho khách hàng trong việc gửi tiền, các ngân hàng khẳng định cũng được hưởng lợi từ quy định này.
Đại diện VietABank nhận định, chính sách mới sẽ giúp các ngân hàng đa dạng hóa sản phẩm tiền gửi, thu hút được nguồn tiền gửi trung và dài hạn; khách hàng yên tâm gửi tiết kiệm kỳ hạn dài, hưởng lợi tối đa từ nguồn vốn nhàn rỗi.
Như vậy, quy định mới "giải vây" cho ngân hàng trong việc cân đối nguồn vốn huy động để cho vay, đặc biệt lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” theo Thông tư 22 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 1/10/2023 là 30%.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch, đã đến lúc thực hiện lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn để đảm bảo rủi ro cho hệ thống ngân hàng sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát. Bởi, nếu để ngân hàng thương mại đảm đương vai trò vốn trung dài hạn, rồi cứ nới trần lấy ngắn hạn cho vay trung dài hạn thì hệ thống sẽ tiếp tục chịu rủi ro.
Đáng chú ý là việc các ngân hàng cho vay vào tín dụng bất động sản chủ yếu là vốn trung, dài hạn, trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu ngắn hạn. Vì thế, phải giảm dần gánh nặng của ngân hàng thương mại về vốn trung dài hạn bằng cách khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm nhiều, dài hạn hơn.
Huyền Anh