Theo thông tin cập nhật, một dự án bất động sản liên quan khoản nợ xấu đang bị Agribank rao bán là tổ hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp Tricon Towers tại mặt đường Đại lộ Thăng Long (thuộc khu đô thị mới Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội).
Rao bán nhiều dự án đang thế chấp
Dự án này do CTCP Đầu tư Minh Việt làm chủ đầu tư và được dùng làm tài sản thế chấp cho khoản nợ hơn 169 tỷ đồng tại Agribank.
Hồi năm 2009, dự án được quy hoạch trở thành tổ hợp thương mại dịch vụ và chung cư cao cấp với tổng vốn 145 triệu USD, chủ đầu tư cam kết bàn giao nhà trong năm 2021. Thế nhưng đến năm 2013, dự án mới chỉ hoàn thành phần khối đế, trong khi Công ty Minh Việt bị khách hàng tố "ôm" hơn 400 tỷ đồng tiền đặt cọc bỏ trốn.
Tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng tính đến tháng 4/2022 đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021. |
Còn tại Tp.HCM, Agribank rao bán 6 bất động sản tại số 20 và 20A1 Trần Cao Vân, phường Đa Kao, quận 1 với tổng diện tích gần 2.000 m2; ở Tp.Thủ Đức (TP.HCM), Agribank đang rao bán 4 bất động sản có diện tích 368-484 m2/lô (tổng diện tích gần 1.800 m2) tại phường Phú Hữu. Ngân hàng này còn đang thanh lý hàng chục bất động sản khác với giá trị từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Bên cạnh việc rao bán dự án bất động sản nêu trên để thu hồi nợ xấu, trong tháng 6/2022 (tính tới ngày 23/6), trang web chính thức của Agribank đã phát đi gần 60 thông báo về việc bán đấu giá các khoản nợ là nợ xấu, lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản…
Trong khi đó, BIDV đang tìm kiếm tổ chức bán đấu giá khoản nợ gần 4.838 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là dự án bất động sản tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Tp.HCM và mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Dự án bất động sản tại huyện Nhà Bè được nhắc tới trong thông báo của BIDV chính là dự án Kenton Node (nay là Grand Sentosa) do Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư. Dự án được đồng thế chấp tại 3 nhà băng BIDV, MSB và PVcomBank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản thế chấp.
Dự án do công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên làm chủ đầu tư này được khởi công năm 2009 với quy mô 9 tòa nhà, 1.640 căn hộ, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.
Đầu năm 2010, dự án được mở bán 100 căn hộ giai đoạn 1, giá giao dịch 1.566-2.250 USD/m2. Tuy nhiên, đến giữa năm 2010, khi thị trường bất động sản bị "đóng băng" thì dự án cũng ngừng thi công.
Theo ngân hàng, giá trị tài sản thuộc dự án Kenton được định giá vào khoảng 7.837 tỷ đồng, tương đương giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỷ. Tình trạng pháp lý của hợp đồng thế chấp tài sản này là đã thực hiện công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo.
Cần theo dõi chặt chẽ
Trong tháng 6/2022 (tính đến 25/6) tại BIDV có ít nhất 21 thông báo về việc bán đấu giá các khoản nợ là nợ xấu, lựa chọn đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản… Ngân hàng này xếp vị trí thứ ba với con số nợ xấu tăng nhẹ 1% so với cuối năm 2021, lên 13.730 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 0,97%, giảm nhẹ so với mức 1% hồi cuối năm ngoái.
Tại BIDV, trong hàng chục thông báo bán đấu giá tài sản vào đầu tháng 5/2022, nhiều khoản nợ được ngân hàng rao bán nhiều lần nhưng chưa có người mua.
Đơn cử như 2 khoản nợ 253 tỷ tại Công ty TNHH Xây dựng Kinh doanh Nhà Bách Giang và 262 tỷ tại Công ty TNHH Xây dựng thương mại Cao Nguyên được BIDV rao bán đến lần thứ 10 vẫn chưa có người mua.
Hai khoản nợ này đều được đảm bảo bằng phần tài sản hình thành từ vốn vay liên quan Dự án Khu dân cư phố 4 tại phương Phước Long A, quận 9, TP.HCM. Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là 252,8 tỷ, cao hơn 27% so với dư nợ gốc (198 tỷ đồng), nhưng thấp hơn một nửa so với giá trị nợ, lãi đến nay.
Bên cạnh Agribank và BIDV, những thông tin trên truyền thông cho thấy hàng loạt ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank, Sacombank... liên tục phát đi thông báo về việc thu giữ và bán đấu giá tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu là bất động sản tại Tp.HCM có giá trị hàng chục tỷ đồng để thu hồi nợ.
Qua động thái rao bán các khoản nợ xấu, phát mại bất động sản thế chấp từ những dự án nêu trên có thể thấy nợ xấu bất động sản vẫn là điều đáng lưu tâm. Theo ước tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2.288.278 tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,44% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế; tỷ lệ nợ xấu là 1,62%.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng lưu ý đang có nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực này. Bởi lẽ, thị trường bất động sản biến động mạnh. Tình trạng "thổi giá" gây "sốt ảo" bất động sản, tình trạng đấu giá đất với giá cao bất thường… Điều này ảnh hưởng đến việc cấp tín dụng, định giá tài sản đảm bảo của các tổ chức tín dụng.
Khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản hiện nay là cho vay trung và dài hạn (từ 10 - 25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Như vậy, chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa nguồn vốn huy động và cho vay đối với lĩnh vực này là rủi ro lớn đối với các ngân hàng.
Nhìn vào tổng dư nợ bất động sản tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 4/2022 mà Ngân hàng Nhà nước công bố thì 37.000 tỷ đồng nợ xấu là không quá lớn. Tuy nhiên, giới chuyên gia lưu ý cần theo dõi chặt chẽ trong bối cảnh thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại khi phần lớn tài sản đảm bảo tại các ngân hàng là bất động sản. Nhất là việc phát mại tài sản bất động sản thế chấp không hề dễ dàng, có nhiều tài sản rao bán hàng chục lần, giá giảm sâu mà không có người mua.
Thanh Loan