Các ngân hàng đang dư thừa thanh khoản |
Tính đến ngày 29/6, tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,26%, chưa bằng một nửa so với tốc độ tăng 7,36% của cùng kỳ năm trước. Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến ngày 19/6, tín dụng mới tăng 2,45%, song huy động vốn tăng 4,35%.
Thanh khoản dồi dào
Thanh khoản dư thừa thể hiện ở việc lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm trong thời gian qua.
Hiện, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng tại nhiều ngân hàng cao nhất chỉ còn 4%/năm, thậm chí còn thấp hơn mức trần của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 4,25%/năm, kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến từ 5,5 - 6,5%/năm tuỳ thuộc số tiền gửi; kỳ hạn 12 tháng trở lên cũng chỉ trên dưới 7%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh. Tính đến ngày 21/7, lãi suất qua đêm là 0,15%; 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng lần lượt là 0,29%, 0,28% và 0,58%. Ðây là vùng lãi suất thấp chưa từng có trên thị trường liên ngân hàng.
NHNN đã không thực hiện hoạt động bơm/hút vốn mới trong 2 tháng gần đây và có thể sẽ không thực hiện hoạt động bơm ròng thêm trên thị trường mở trong một vài tuần tới khi thanh khoản vẫn đang rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng liên tục tạo đáy.
Rõ ràng, hiện đang tồn tại một nghịch lý là các ngân hàng thừa vốn nhưng không thể cho vay được, mà nguyên nhân một phần do sức hấp thụ của nền kinh tế bị giảm sút do dịch bệnh.
Dẫu vậy, lãnh đạo các nhà băng cho biết, việc giản ngân vốn mới phải cẩn trọng hơn để ngăn nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh. Các ngân hàng tập trung tái cơ cấu, giãn thời gian trả nợ và tăng trích dự phòng rủi ro.
Lãnh đạo NHNN cũng nhấn mạnh nguồn vốn đang dưa thừa, tín dụng khó tăng, nhưng không phải vì thế mà hạ chuẩn cho vay. Ngược lại, các ngân hàng phải kiểm soát chặt hơn chất lượng tín dụng để kiểm soát rủi ro nợ xấu tăng trong dịch bệnh.
Thừa vốn mà khó cho vay cũng tạo áp lực lên các ngân hàng, bởi nguồn vốn này chủ yếu đến từ tiền gửi của khách hàng, nên nhà băng vẫn phải trả lãi vay.
Trước đây, khi thừa vốn, các ngân hàng thường kinh doanh trên thị trường liên ngân hàng, nhưng trong bối cảnh "cả làng" đều thừa vốn như hiện nay, "cửa" làm ăn này coi như đã đóng lại. Trong khi đó, việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp cũng đang bị nhà quản lý "tuýt còi". Vì vậy, chỉ còn kênh đầu tư duy nhất là trái phiếu chính phủ phù hợp với các nhà băng trong lúc này.
Vốn "chảy" vào trái phiếu chính phủ
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong tháng 6/2020 đã có 16 đợt đấu thầu trái phiếu được tổ chức với tổng cộng 32.594 tỷ đồng, tăng 77,2% so với tháng trước. Tỷ lệ trúng thầu thành công tháng 6 đạt 89,3%, khối lượng đặt thầu gấp 3,03 lần khối lượng gọi thầu.
Còn theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2020, Kho bạc Nhà nước phát hành tổng cộng 87.000 tỷ đồng, bằng 33,5% kế hoạch phát hành cả năm 2020. Trong đó, lượng phát hành trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước trong tháng 6/2020 đã ghi nhận lượng phát hành theo tháng lớn nhất trong một năm gần đây. Qua đó, đưa tổng khối lượng phát hành quý II/2020 là 54.000 tỷ đồng, tăng 64% so với quý I/2020. Tính đến 30/6/2020, tổng giá trị niêm yết trái phiếu chính phủ đạt hơn 1,16 triệu tỷ đồng.
Sang đến tháng 7, hầu hết các phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ đều đạt được tỷ lệ thành công rất cao. Chẳng hạn, trong ngày 15/7, HNX tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành với tổng khối lượng gọi thầu 12.500 tỷ đồng tại các kỳ hạn 10, 15, 20 và 30 năm.
Dù lãi suất các kỳ hạn giảm so phiên đấu thầu trước đó, song tỷ lệ trúng thầu khá cao. Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 10 năm gọi thầu 7.000 tỷ đồng, huy động thành công cả 7.000 tỷ đồng; phiên thầu phụ huy động được thêm 2.000 tỷ đồng.
Trái phiếu kỳ hạn 15 năm gọi thầu 4.000 tỷ đồng, huy động được 4.000 tỷ đồng; phiên thầu phụ huy động được thêm 450 tỷ đồng.
Trái phiếu kỳ hạn 20 năm gọi thầu 1.000 tỷ đồng, huy động được 1.000 tỷ đồng; phiên thầu phụ huy động được thêm 500 tỷ đồng.
Trái phiếu kỳ hạn 30 năm gọi thầu 500 tỷ đồng, huy động được 500 tỷ đồng; phiên thầu phụ huy động được thêm 250 tỷ đồng.
Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động được tổng cộng 15.600 tỷ đồng tại các kỳ hạn 10, 15, 20 năm.
Các chuyên gia cho biết, hiện nhu cầu mua trái phiếu chính phủ vẫn rất lớn, dù lãi suất trái phiếu đã giảm. Và các ngân hàng vẫn là một trong những nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu chính phủ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc đầu tư quá nhiều vào trái phiếu, nhất là khi lãi suất trái phiếu ở mức khá thấp, có thể dẫn đến những rủi ro cho các ngân hàng khi có những biến động về lạm phát hay thanh khoản của hệ thống không tốt như hiện giờ.
“Vì vậy, có thể cuối năm, khi nhu cầu tín dụng tăng, thanh khoản ngân hàng bớt dồi dào, nhu cầu mua trái phiếu chính phủ có thể giảm”, một chuyên gia nhìn nhận.
Huyền Anh