Thông thường, ĐHCĐ thường niên sẽ quyết định mức thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát cho từng năm với tỷ lệ nhất định tính trên số lợi nhuận sau thuế. Mức thù lao chỉ từ 0,2% trở lên, nhưng là số tiền lớn, lên tới vài chục tỷ đồng nếu lợi nhuận đạt mức nghìn tỷ.
Quỹ thù lao “phình” to
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã nhiều năm liền có mức chi trả lương, thù lao cao cho các lãnh đạo chủ chốt. Năm 2015, VietinBank có 10 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban kiểm soát (ông Phạm Huy Thông – Uỷ viên HĐQT đã thôi chức vụ từ ngày 7/7/2015 để sang GPBank nhận nhiệm vụ mới). Tổng số tiền lương, thù lao dành cho 13 cá nhân này là gần 20,48 tỷ đồng, bằng 0,36% lợi nhuận sau thuế, tức bình quân khoảng 1,57 tỷ đồng/người/năm.
Căn cứ các chỉ tiêu kinh doanh năm 2016 cao hơn, ngân hàng đã xin tăng mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát lên tối đa 0,38% lợi nhuận sau thuế (chỉ tiêu LNST là 6.320 tỷ đồng), tương ứng số tiền là hơn 24 tỷ đồng. Với cơ cấu 13 thành viên, bình quân mỗi người sẽ nhận được thù lao là 1,85 tỷ đồng/người/năm, tăng 17,6% so với năm 2015 và cao hơn mức tăng trưởng lợi nhuận chỉ tăng 10,6%.
VietcomBank cũng là ngân hàng luôn đạt lợi nhuận khá cao trong vòng ba năm gần đây, do đó, HĐQT đều đề xuất ĐHCĐ thường niên chi trả thù lao hậu hĩnh cho các lãnh đạo cấp cao. Cụ thể, năm 2015 ngân hàng đạt 5.314 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 15,7% (tăng 722 tỷ đồng) so với 2014. Tỷ lệ thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát là 0,35%, tương đương 18,66 tỷ đồng, tức mỗi lãnh đạo nhận được gần 1,9 tỷ đồng/năm, cao hơn thù lao của VietinBank.
Với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 tăng 10%, đạt khoảng 7.500 tỷ đồng, mức thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát sẽ cao hơn năm cũ.
Trong khi đó, khối ngân hàng TMCP lại đang phải “cân đong” rất kỹ lương, thù lao đối với từng chức danh quản lý cấp cao. Bởi thù lao cao hay thấp đều phụ thuộc vào kết quả hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh, cũng như “co kéo” các khoản chi tiêu chính trong năm. Song ngân hàng cũng có thể “mạnh tay” tăng thù lao cho lãnh đạo để khích lệ, thưởng thêm khi kết quả kinh doanh vượt chỉ tiêu.
Như tại ngân hàng Techcombank, các thành viên HĐQT luôn được chi trả mức thù lao rất hấp dẫn. Đơn cử, năm 2015, ngân hàng lãi sau thuế 1.529 tỷ đồng, với 7 thành viên HĐQT và 4 thành viên Ban kiểm soát, Techcombank đã chi tới 28,23 tỷ đồng thù lao cố định và 3,9 tỷ đồng chi phí công vụ, cao hơn hẳn các ngân hàng quốc doanh. Ngoài ra, Techcombank còn có khoản “thù lao thành tích” cho từng năm, song các lãnh đạo đã thống nhất không nhận khoản này cho năm 2015.
Dự kiến, khoản thù lao cố định và chi phí công vụ này sẽ tăng lên, ở mức 33,44 tỷ đồng trong năm 2016. HĐQT và Ban kiểm soát Techcombank tiếp tục không nhận “thù lao thành tích”.
Về chính sách thù lao, một số lãnh đạo ngân hàng chia sẻ, khoản thù lao của HĐQT, Ban kiểm soát thực ra không phải trả lương hàng tháng mà gồm các khoản: công tác phí, chi phí cho cá nhân… nhằm phục vụ hoạt động quản trị điều hành của ngân hàng. Mức thù lao càng cao sẽ thể hiện mức độ đòi hỏi trách nhiệm với công việc, áp lực hoàn thành chỉ tiêu, tăng trưởng càng cao.
![]() |
Mức thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát thường ở mức từ vài tỷ đồng trở lên
Cổ tức “bèo”, thù lao “khủng”(?)
Ở góc độ chủ sở hữu, các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát cũng là cổ đông của ngân hàng, sở hữu cổ phần hay người đại diện vốn nhà nước. Việc tăng thù lao cho lãnh đạo cấp cao cũng nhằm khích lệ tinh thần cống hiến, hỗ trợ chi phí công tác để họ gánh vác trọng trách điều hành nặng nề, đem lại kết quả tốt nhất cho ngân hàng.
Trên thực tế, mức thù lao công bố được cho là xứng đáng với công sức, kết quả công việc của bộ máy HĐQT, Ban kiểm soát. Nhất là trong bối cảnh ngành ngân hàng đang chịu áp lực tái cơ cấu, xử lý những tồn tại, vừa phải đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận, cạnh tranh gay gắt…
Tuy nhiên, cổ đông của một số ngân hàng đang gặp khó khăn, làm ăn thua lỗ, cắt giảm cổ tức nhiều năm… lại không đồng tình việc lãnh đạo nhận thù lao cao.
Một cổ đông của Techcombank – ngân hàng không chia cổ tức 5 năm liền – chia sẻ: “Suốt từ năm 2011 đến nay, ngân hàng đã quên cổ đông, không chia đồng cổ tức nào dù Techcombank vẫn lãi nghìn tỷ. Mỗi lãnh đạo nhận vài tỷ đồng thù lao, (năm 2015 nhận 2,6 tỷ đồng), chúng tôi là những cổ đông – người chủ ngân hàng – lại không có cổ tức thì có hợp lý không?”.
Cổ đông của ngân hàng ACB cũng thắc mắc về số tiền thù lao năm 2015 cho HĐQT là 6 tỷ đồng và Ban kiểm soát là 3,1 tỷ đồng, trong khi cổ tức chỉ trả bằng cổ phiếu là 9%. Tuy nhiên, lãnh đạo ACB cho rằng tỷ lệ thù lao này là “tương đối phù hợp” và công sức của lãnh đạo cấp cao nên không thể không chi trả. Năm 2015, ACB đạt lợi nhuận trước thuế 1.314 tỷ đồng và dự kiến tăng lên 1.500 tỷ đồng năm 2016.
Nhiều ngân hàng khác như SHB, SCB, OCB, BacABank, BIDV, VPBank… cũng xác định mức thù lao cho HĐQT, Ban kiểm soát ở mức từ vài tỷ đồng trở lên. Đây là mức tương đối phù hợp so với quy mô vốn, lợi nhuận, mức độ hoàn thành kết quả kinh doanh của từng ngân hàng.
Song, đến giờ, chưa ghi nhận trường hợp nào HĐQT, Ban kiểm soát từ chối nhận thù lao dù ngân hàng làm ăn thua lỗ, có nguy cơ bị sáp nhập.
Thu Hằng