Năm ngoái, cuộc đua cạnh tranh lãi suất huy động làm nóng thị trường ngân hàng diễn ra khá gay gắt trong những tháng cuối năm. Để cạnh tranh thu hút tiền gửi kỳ hạn dài, các ngân hàng liên tục đẩy lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao thông qua công cụ tiền gửi thông thường và phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn.
Trái ngược sau một năm
Trong bối cảnh đó, có những thời điểm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo, thông qua Hiệp hội Ngân hàng vận động các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay, chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp.
Giảm lãi suất giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh. |
Thị trường tiền gửi ngân hàng hiện nay hoàn toàn trái ngược so với cách đây một năm, lãi suất tiết kiệm liên tục đi xuống thay vì đua tăng cao. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng ở mức 3,6%, 3 tháng còn 3,8%, 6 tháng ở mức 5,2%, 12 tháng là 5,6%…
Ngay cả những ngân hàng có mức lãi suất cao nhất trước đây, hiện nay cũng đã giảm về dưới 6%/năm. Chẳng hạn, Saigonbank huy động vốn với lãi suất dưới 4%/năm ở các kỳ hạn dưới 5 tháng, còn 6 tháng ở mức 5,2%/năm, 12 tháng là 5,6%… SCB huy động lãi suất 4,5%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng, còn 6 tháng ở mức 5,3%, 12 tháng trở lên ở mức 5,6%...
Theo khảo sát, tính từ đầu tháng 11 đến nay, đã có 3 ngân hàng giảm lãi suất huy động từ 0,2%/năm là Sacombank, VIB và VPBank. Những biến động về lãi suất này được điều chỉnh hầu hết ở các khoản tiền gửi huy động theo hình thức trực tuyến, online.
Trao đổi với VnBusiness, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng phân tích: "Thông thường, lãi suất giảm thì kênh tiền gửi ngân hàng không còn hấp dẫn. Đó là về mặt nguyên tắc, song thực tế tuỳ thuộc nhiều yếu tố như lạm phát hay tính hấp dẫn ổn định so với các kênh đầu tư khác gồm vàng, chứng khoán, bất động sản, hay ngoại tệ tại thời điểm đó. Hiện có thể thấy, tiền gửi vẫn có sự ổn định, trong khi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, vàng có sự tăng giá nhưng lại không mang tính ổn định và chênh lệch khá cao so với thế giới, ngoại tệ có khả năng tăng nhưng không có sự bảo đảm".
Chuyên gia này cũng cho rằng, lãi suất huy động giảm trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng dư dả sẽ là một trong những yếu tố tạo thuận lợi để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Hơn nữa, thời điểm này, các khoản tiền gửi với lãi suất cao sau một năm đã đến lúc đáo hạn, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong tháng cuối năm.
Tại Hội nghị “Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: “NHNN đã có những cơ chế buộc các ngân hàng cạnh tranh với nhau bằng lãi suất, giúp doanh nghiệp được tiếp cận lãi suất thấp hơn. Bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu các ngân hàng không chỉ chủ động hạ lãi suất mà bắt buộc phải hạ lãi suất để cạnh tranh, giữ chân các khách hàng tốt”.
Lãi suất giảm nhưng cũng phải phù hợp
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu doanh nghiệp có dễ dàng tiếp cận được dòng vốn rẻ hay không?
Theo ông Hiếu, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, huy động vốn để cho vay. Giữa ngân hàng và doanh nghiệp thực tế là quan hệ cộng sinh. Nguồn thu của các ngân hàng đến chủ yếu từ hoạt động cho vay, giữa các ngân hàng cũng cạnh tranh quyết liệt, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đều đi theo hướng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa để phân tán rủi ro, thay vì tập trung vào cho vay các dự án lớn như trước.
Giảm lãi suất giúp giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thêm cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh (các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp đều tăng cao vào cuối năm). Như vậy, rõ ràng quyết định điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN có tác động tích cực đến thị trường. Việc cắt giảm lãi suất về lý thuyết giúp chi phí vốn thấp sẽ kích thích doanh nghiệp và các nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều hơn, thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, ông Tú đưa ra cách nhìn tổng quan, ngành ngân hàng đã đạt được mục tiêu giảm lãi suất hỗ trợ cho doanh nghiệp và hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, mở rộng đầu tư và tăng GDP cho năm nay.
Đối với lãi suất, ông Tú cho rằng nếu chỉ nghĩ đến huy động - cho vay thì huy động thấp sẽ cho vay thấp, nhưng huy động liên quan đến lạm phát, vấn đề các chỉ số khác, vì thế lãi suất huy động mặc dù đã giảm nhưng giảm như thế nào phải phù hợp.
Phân tích sâu thêm, theo ông Tú, lãi suất quan hệ rất chặt đến tỷ giá. Khi lãi suất đồng Việt Nam quá thấp, tỷ giá đang ở mức cao, đặc biệt là lãi suất ngoại tệ của các nước ảnh hưởng đến Việt Nam rất lớn, tạo ra sự chênh lệch, tình trạng đô la hóa xuất hiện, cho nên điều hành lãi suất phải cân nhắc làm sao cho phù hợp trong quan hệ với tỷ giá.
Mặt khác, lãi suất còn liên quan rất nhiều vấn đề trong nền kinh tế, kể cả chính sách tài khoá, trái phiếu, huy động nguồn lực của Nhà nước hay là sử dụng nguồn vốn cho vay của Nhà nước, cho nên phải đảm bảo hài hoà chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.
Trong điều hành lãi suất, ông Tú nhấn mạnh NHNN luôn phải dựa trên việc tính toán để tìm ra phương án hợp lý nhất. Dẫn chứng từ đầu năm 2023 đến nay, trong quan điểm điều hành, thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng là hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất, NHNN đã chỉ đạo, đưa ra thông điệp để tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất. Trước hết là lãi suất điều hành đã giảm 4 lần, mức giảm đến 2% cho một số chỉ tiêu, một số mức lãi suất.
Lãnh đạo NHNN cho biết, một số ngân hàng có mức chênh lệch lãi suất đầu vào - đầu ra còn cao trên mức bình thường, vẫn còn những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân khoảng 9% trở lên. NHNN đã “chỉ mặt điểm tên” và yêu cầu tìm mọi biện pháp để giảm lãi suất.
Huyền Anh