Thời gian qua, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đặt ra yêu cầu mang tính hối thúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhanh chóng thoái vốn ngân hàng. Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Tài chính, đến hết tháng 9/2015, vẫn còn khoảng 11.000 tỷ đồng vốn nhà nước chưa thoái hết khỏi ngân hàng.
Việc thoái vốn ở ngân hàng cần sự thận trọng, lựa chọn đối tác mua cổ phần, thời điểm, mức giá để đảm bảo hiệu quả đầu tư vốn nhà nước.
Mất vốn ở ngân hàng 0 đồng
Tại kỳ họp Quốc hội này, Chính phủ đã công bố báo cáo khá chi tiết về tình hình thoái vốn của các DNNN lớn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm: tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bảo hiểm.
Đáng chú ý là trường hợp thoái vốn tại các ngân hàng bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, dẫn tới giá trị thoái vốn của DNNN thấp hơn giá trị sổ sách. Trong quý II/2015, NHNN đã tiến hành mua lại toàn bộ cổ phần của 3 ngân hàng với giá 0 đồng gồm: Ocean Bank, VNCB, GPbank… và tuyên bố các cổ đông đã bị mất tư cách, quyền lợi và lợi ích đối với cổ phần sở hữu.
Trong số các cổ đông ngân hàng, một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã chịu thiệt hại đáng kể khi “mất trắng” khoản đầu tư tại đây.
Cụ thể, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) sở hữu 20% vốn điều lệ, tương ứng 80 triệu cổ phần OceanBank (Vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng). Tổng giá trị mệnh giá cổ phần là 800 tỷ đồng. Giá trị khoản đầu tư này trên sổ sách có thời điểm được ghi nhận hơn 1.000 tỷ đồng. Ngày 25/4, OceanBank bị mua lại 0 đồng, PVN bị mất phần vốn này.
Do PVN hạn chế công bố báo cáo tài chính kèm thuyết minh đầy đủ nên không rõ tập đoàn đã trích dự phòng rủi ro khoản vốn mất đi tại OceanBank như thế nào. Đây là một trong số ít các trường hợp DNNN bị mất vốn do yêu cầu tái cơ xấu, xử lý rốt ráo các ngân hàng yếu kém trong hệ thống.
Trước đó, tháng 2/2015, Ngân hàng Xây dựng VNCB (nay là CB) cũng hé lộ hoạt động kinh doanh thua lỗ, mất vốn… Do các cổ đông không chốt được phương án bổ sung vốn điều lệ (hơn 5.000 tỷ đồng) nên VNCB đã bị mua lại với giá 0 đồng. Cổ đông lớn – Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood) – ngậm ngùi chấp nhận tay trắng.
Trong động thái vực dậy ngân hàng 0 đồng, NHNN đã chuyển OceanBank, CB, hay GPbank thành ngân hàng 100% vốn nhà nước. Theo số liệu cập nhật từ NHNN, thì vốn của 3 ngân hàng này đã đảm bảo đủ điều kiện hoạt động với mức vốn pháp định tối thiểu 3.000 tỷ đồng.
Hàng tỷ USD vẫn “mắc kẹt”
Theo báo cáo của Chính phủ, hoạt động thoái vốn của các DNNN khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm đã có kết quả, thu được giá trị vốn lớn. Đến cuối năm 2014, giá trị thoái vốn của các công ty mẹ – tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước là 4.184 tỷ đồng, giá trị thu về được 4.292 tỷ đồng.
Lượng vốn lớn vẫn đang “mắc kẹt” ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng và trong năm nay, dự kiến sẽ thoái khoảng 9.100 tỷ đồng. Đơn cử, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) còn phải thoái vốn 588 tỷ đồng (theo giá trị sổ sách tại ngày 31/12/2014), Tập đoàn than khoáng sản (Vinacomin) còn thoái vốn 381 tỷ đồng; Tập đoàn cao su Việt Nam thoái 381 tỷ đồng; PVN còn thoái 780 tỷ đồng; Vinalines thoái 315 tỷ đồng…
Theo Cục Tài chính DN, tính đến 30/9/2015, tổng lượng vốn của tập đoàn, tổng công ty, DNNN cần phải thoái vốn là 18.000 tỷ đồng. Trong đó, còn khoảng 11.000 tỷ đồng “mắc kẹt” ở các ngân hàng.
Trước áp lực thoái vốn theo chủ trương của Chính phủ, NHNN, các tập đoàn, DNNN lại đang khá “đủng đỉnh” thoái vốn khỏi ngân hàng.
Dẫn chứng là tình hình thoái vốn rất chật vật, kéo dài nhiều năm của EVN khỏi Ngân hàng An Bình (ABBank). Mới đây, EVN lại chàn bán đấu giá 81,5 triệu cổ phần ABBank, chiếm 16% vốn điều lệ.
EVN đã bán được hơn 40 triệu đơn vị cho 6 nhà đầu tư với giá bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, thu về khoảng 400 tỷ đồng. Như vậy, việc thoái vốn của EVN vẫn đảm bảo không thấp hơn giá trị sổ sách, bảo toàn vốn nhà nước đã đầu tư.
Số 41,5 triệu cổ phần ABBank (tương đương tỷ lệ 8%) còn lại, hiện chưa rõ EVN sẽ thực hiện bán đấu giá vào thời điểm nào. Các nhà đầu tư mua cổ phần ngân hàng sẽ phải đáp ứng các điều kiện khắt khe như: có tiềm lực tài chính, tỷ lệ sở hữu không vượt 5% với cá nhân và 15% với tổ chức, góp vốn thật, không có sở hữu chéo…
Hiện tại, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vẫn sở hữu 40% cổ phần PGBank, tương ứng 120 triệu cổ phần (giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng). Khi sáp nhập vào Vietinbank, tỷ lệ sở hữu của Petrolimex đã giảm xuống còn 20%.
Hay trường hợp PVN sẽ phải tiếp tục giảm sở hữu tại PVcombank từ mức 52% hiện tại xuống 20% theo kế hoạch. Giá trị vốn nhà nước tại PVcombank còn tương ứng 4.680 tỷ đồng. PVN vẫn chưa cho biết kế hoạch thoái vốn tại ngân hàng này theo hình thức nào và thời điểm cụ thể.
Hải Hà