Tại Hội thảo "Gỡ khó cho vay tiêu dùng - đẩy lùi tín dụng đen" ngày 31/10, các chuyên gia cho rằng thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng, sụt giảm mạnh do nợ xấu tăng cao. Điều này khiến người dân có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp cận được vốn vay từ công ty tài chính tiêu dùng, buộc phải tìm đến tín dụng đen.
Dư nợ cho vay giảm, nợ xấu tăng cao
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính đạt gần 136 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống).
“Thực tế, dư nợ cho vay không tăng mà còn giảm so với năm 2022 (giảm trên 60.000 tỷ), trong khi đó nợ xấu của các công ty tài chính tăng mạnh, đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty có tỷ lệ nợ xấu lên đến 20%. Nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao”, ông Hùng thông tin.
Thị trường tín dụng tiêu dùng đang gặp khủng hoảng, sụt giảm mạnh do nợ xấu tăng cao (Ảnh minh họa). |
Ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cũng nhận định, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022.
Số liệu từ báo cáo của Fiin group cho thấy, nợ xấu tại các công ty tài chính đã tăng từ 10,7% cuối năm 2022 lên tới 12,5% sau 6 tháng năm 2023. Con số nợ xấu này, theo ông Ninh, là rất đáng báo động.
Giải thích cho tình trạng nợ xấu tăng cao, theo ông Hùng, ngoài những yếu tố khách quan với khó khăn chung của nền kinh tế, thu nhập của người lao động giảm, còn do các công ty tài chính bị đánh đồng với các tổ chức tín dụng đen, khách hàng cố tình "bùng nợ"; hoạt động gian lận ngày càng tinh vi và gia tăng…
"Có trường hợp cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì đối tượng chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình quy kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên Zalo, Facebook …. nhưng không hề bị xử lý", ông Hùng cho biết.
Còn theo ông Ninh, tại Việt Nam có 16 công ty ty tài chính tiêu dùng được cấp phép, song giá trị tích cực mà các công ty này hướng đến đang bị pha loãng bởi hàng trăm công ty tín dụng đen.
Bên cạnh đó, ý thức trả nợ của một bộ phận khách hàng cũng đang gây khó khăn lớn cho các công ty tài chính. Hàng loạt hội nhóm ra đời chia sẻ cách thức trốn nợ, người trước bảo người sau, tạo hệ luỵ lớn cho cho thị trường cũng như các công ty tài chính.
Cần hành lang pháp lý để giải quyết
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) cho rằng việc hành lang pháp lý chưa rõ ràng khiến nhân viên của các công ty tài chính gặp khó khăn trong công tác thu hồi nợ, thậm chí là bị khách hàng đe dọa, sử dụng bạo lực. Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính tiêu dùng cho biết, họ rất hoang mang không biết thu nợ như thế nào.
Đồng tình, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, nguyên nhân chính của việc “bùng nợ” là do nhận thức của người đi vay, mức độ hiểu biết về tài chính tiêu dùng thấp, tính tuân thủ, thượng tôn pháp luật còn khiêm tốn.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý về cho vay và cho vay tiêu dùng chưa đồng bộ. Ông Lực đề xuất cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan tới hiệu cầm đồ - bản chất cũng là hoạt động tín dụng, song chủ yếu là tín dụng đen.
Ông Lực nhấn mạnh, cho vay online đã và đang phổ biến khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ tháng 9 vừa qua. Vì vậy, ngoài kênh tín dụng ngân hàng truyền thống, hiện có nhiều kênh cho vay online như Fintech (công nghệ tài chính), cho vay ngang hàng (P2P Lending), huy động vốn cộng động… Vì vậy, cơ quan quản lý cần có cơ chế thử nghiệm vận hành các công ty Fintech, cho vay online.
Đáng chú ý, “Trong số 16 công ty tài chính chưa có công ty nào sử dụng toà để giải quyết cho khoản nợ. Bởi khoản vay tiêu dùng có giá trị rất nhỏ, chi phí cả về thời gian, tài chính, nhân lực cho một phiên toà quá nhiều và cuối cùng không thực thi nổi", Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh Nguyễn Thế Truyền nói và cho rằng cần phải thay đổi quy định để phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Ông Truyền gợi ý, công ty tài chính có thể xem xét thoả thuận với các khách hàng sử dụng cơ quan tài phán là trung tâm trọng tài thương mại để rút ngắn thời gian. Thứ hai là cơ chế thực thi của bên thi hành án đối với quyết định của trọng tài. Chẳng hạn, cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể để các công ty tài chính chủ động trong việc thu hồi nợ xấu.
“Khi có việc thực thi như vậy, người vay không dám bùng nợ, vì khi có tài sản sẽ bị kê biên để trả nợ”, ông Truyền khẳng định.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng bên cạnh hành lang pháp lý cho các công ty tài chính thu hồi nợ, cũng cần hành lang pháp lý để giải quyết vấn đề khách hàng bùng nợ.
Ông Lực kiến nghị, cần phân tách nhóm các tổ chức cho vay vì chưa rõ ràng trong việc ngân hàng cho vay và công ty tài chính cho vay. Hiện vẫn có câu chuyện nhảy nhóm nợ do khách hàng vay cả công ty tài chính và ngân hàng, nhưng khi khách hàng có nợ xấu ở công ty tài chính lại nhảy sang thành nợ xấu của ngân hàng, dù khoản nợ ở ngân hàng đang trả theo đúng tiến độ. Vì vậy, cần có Luật riêng cho ngân hàng thương mại và Luật riêng cho các TCTD phi ngân hàng.
Đáng chú ý, theo chuyên gia này, không nên có quan niệm về quan hệ tín dụng là lỗi chỉ ở bên cho vay chứ không phải người đi vay. Hiện chưa có sự công bằng giữa trách nhiệm, quyền lợi của bên cho vay và người đi vay, nên mới có việc đi vay thì dễ nhưng không trả nợ thì cũng không sao. Do đó, cần công khai thông tin dữ liệu của khách hàng “bùng nợ” trên hệ thống Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.
Huyền Anh