Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi lần 2 Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tiếp tục kéo dài thời gian cơ cấu nợ, phạm vi cơ cấu nợ. So với quy định cũ, Thông tư có 2 điểm mới đáng lưu ý. Đó là phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 như quy định của Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Ngoài ra, thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng (kéo dài đến ngày 30/6/2022, thay vì đến ngày 31/12/2021).
Chưa giải quyết được khoản nợ phát sinh
Dù nhận được những ý kiến đánh giá việc sửa đổi lần 2 này diễn ra nhanh chóng, kịp thời gỡ khó cho các khách vay là cá nhân, doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại, song nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng về áp lực nợ vay.
Một số doanh nghiệp cho rằng thông tư 14 phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn ra hiện nay. Nhưng trong thực tế vẫn chưa được giải quyết được các khoản nợ phát sinh. (Ảnh minh hoạ: Int) |
Anh P.H, giám đốc một công ty trong lĩnh vực thiết bị y tế ở Hà Nội, cho biết công ty anh có khoản vay 50 tỷ đồng tại một ngân hàng cổ phần trụ sở ở Hà Nội, giải ngân tháng 10/2020. Vừa qua, do dịch bệnh khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, khả năng doanh nghiệp không đủ tiền trả lãi vay ngân hàng. Phía ngân hàng cũng đã có sự hỗ trợ điều chỉnh lãi suất khoản vay của công ty xuống còn 7%/năm.
Tuy nhiên, với tình hình giãn cách kéo dài, dòng tiền bị đứt đoạn hiện nay sẽ khiến doanh nghiệp khó trả nợ đúng hạn. Và như vậy, ngân hàng sẽ điều chỉnh nhóm nợ từ 1 lên 2 - 3, khiến mức độ tín nhiệm tín dụng của doanh nghiệp giảm, sau này phải vay với lãi suất cao. "Nay Thông tư 14 có hiệu lực, tôi lại tiếp tục liên hệ ngân hàng xin lùi thời gian trả nợ gốc và lãi vay để bớt áp lực tài chính nhưng chưa thấy trả lời", anh P.H nói.
Một số doanh nghiệp cho rằng, thông tư 14 phù hợp với tình hình dịch bệnh diễn ra hiện nay. Nhưng trong thực tế vẫn chưa được giải quyết được các khoản nợ phát sinh.
Giám đốc một doanh nghiệp da giày ở TP.HCM cho rằng, hiện nay TP.HCM chưa thể xác định được rõ ràng thời điểm hết giãn cách và khôi phục sản xuất thì khoảng thời gian cơ cấu nợ theo thông tư mới vẫn là quá ngắn với các doanh nghiệp.
"Nếu cuối tháng 9 này được hoạt động sản xuất lại như thông tin lãnh đạo thành phố cho biết thì để phục hồi, doanh nghiệp cũng mất từ 3 đến 6 tháng là nhanh nhất vì cả một năm qua bị đứt quãng hoạt động kinh doanh và cung ứng. Với doanh nghiệp như chúng tôi, dòng tiền đã cạn cách đây 1 tháng. Do đó, giãn nợ chỉ giảm áp lực phải trả nợ trước mắt, nhưng lại lo đến kỳ trả, nếu tình hình chưa trở lại như cũ thì lấy đâu nguồn thu nhập để trả nợ khi số nợ phải trả hằng tháng tăng lên", vị giám đốc này lo lắng.
Dịch kéo dài, Thông tư sẽ còn sửa đổi?
Đại diện một doanh nghiệp dệt may chia sẻ, thực hiện Thông tư 14 phải mất 2-3 tháng bởi còn khó khăn do giãn cách xã hội, doanh nghiệp mất thêm vài tháng đến cả năm để hồi phục sản xuất, nên giãn thời hạn cơ cấu nợ thêm 6 tháng là chưa đủ. Vì thế, vị này lo ngại Thông tư 01 sẽ còn sửa đổi nếu dịch bệnh vẫn phức tạp.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, Thông tư 14 chỉ cho phép cơ cấu nợ tối đa 12 tháng và chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022 là chưa hợp lý, bởi chưa biết dịch kéo dài đến khi nào. Không có căn cứ nào để khẳng định doanh nghiệp được cơ cấu sau 12 tháng sẽ có khả năng trả nợ. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực nợ xấu cho các ngân hàng.
“Vì vậy, đáng lẽ Thông tư nên sửa đổi theo hướng cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu theo dòng tiền, chứ không phải là thời hạn 12 tháng. Đồng thời, nên cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Nếu quy định như thế này, NHNN sẽ còn phải sửa nhiều lần”, Lãnh đạo một ngân hàng nói.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, việc NHNN mở rộng phạm vi cơ cấu nợ, nhưng không giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu sẽ khiến gánh nặng dự phòng thêm đè nặng lên vai các ngân hàng. Nếu NHNN cho phép giãn thời gian trích lập dự phòng ra 5 năm, thay vì 3 năm, các ngân hàng thương mại sẽ có nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Dẫu vậy, theo nhiều chuyên gia ngân hàng, việc NHNN thận trọng trong ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN là điều dễ hiểu. Bởi lùi quá sâu thời hạn tái cơ cấu hoặc giãn quá nhiều thời gian trích lập dự phòng rủi ro đồng nghĩa với việc nợ xấu đang bị “dồn cục” và bị đẩy về tương lai nhiều hơn, tiềm ẩn rủi ro khó lường. Do đó, Thông tư này được NHNN cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt chú trọng yếu tố an toàn hệ thống.
Huyền Anh