Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết vừa ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp khó khăn đến hết ngày 31/12 năm nay, thay vì kết thúc vào ngày 30/6.
Doanh nghiệp chính thức được hoãn chuyển nhóm nợ xấu
Theo NHNN, đến 31/12/2023, đã có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183.500 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, việc kéo dài Thông tư 02 sẽ giúp ngành ngân hàng góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo mục tiêu đề ra của năm.
Đồng tình với việc cần kéo dài Thông tư 02 đến hết năm nay để doanh nghiệp có thời gian phục hồi, từ đó có dòng tiền trả nợ, song các chuyên gia lưu ý, ngân hàng cần đánh giá thật kỹ đối tượng được áp dụng theo hướng doanh nghiệp nào có khả năng phục hồi thì tìm mọi giải pháp tháo gỡ, nhưng với các doanh nghiệp yếu kém thì kiên quyết không cơ cấu nợ, mà mạnh dạn chuyển nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.
“Việc nới lỏng chính sách cần phải cân nhắc thật kỹ, nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi hàng triệu người dân đang gửi tiền tại các tổ chức tín dụng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất: Đối với đối tượng được gia hạn, ngân hàng cần đánh giá nhóm khách hàng nào có khả năng vực dậy thì nên áp dụng. Còn với đối tượng khách hàng quá yếu kém thì nên xử lý ngay vì việc kéo dài 6 tháng cũng không có nhiều ý nghĩa.
Việc kéo dài Thông tư 02 sẽ giúp ngành ngân hàn góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. |
Công ty xếp hạng tín nhiệm VIS Rating nhận định tốc độ cơ cấu lại khoản vay (tương đương 1,2% tổng dư nợ nền kinh tế) được kỳ vọng sẽ ổn định, trong khi rủi ro tín dụng đến từ nhóm ngành bất động sản sẽ giảm bớt khi các vấn đề về pháp lý dự án dần được tháo gỡ và tiếp cận được nguồn vốn vay.
Với các chủ đầu tư sử dụng đòn bẩy nợ vay cao, dòng tiền kinh doanh hồi phục chậm và có dự án đang gặp vướng mắc pháp lý hoặc các dự án mang tính đầu cơ, theo VIS Rating, sẽ tiếp tục là rủi ro chính đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, nhưng bộ đệm rủi ro vẫn sẽ ổn định khi khả năng tạo vốn nội bộ cải thiện và hỗ trợ tăng trưởng kinh doanh.
Nợ xấu vẫn là nỗi lo?
NHNN cho rằng việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống.
Việc kéo dài Thông tư 02 giúp các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hiệu quả hơn. Thực tế, mặc dù thời gian tái cơ cấu nợ theo Thông tư 02 được gia hạn đến hết năm 2024, song nhiều nhà băng vẫn lo nợ xấu và mạnh tay trích dự phòng rủi ro.
Điển hình, trong quý I/2024, ABBank tiết giảm chi phí hoạt động 6%, chỉ còn 509 tỷ đồng, nhưng do tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro với 177 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm 2023, nên chỉ lãi trước thuế hơn 192 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động của VietBank trong quý đầu năm nay cũng chỉ tăng 7%, ghi nhận gần 350 tỷ đồng, nhưng để tạo bộ đệm dự phòng, nâng cao chất lượng tài sản trong tương lai, ngân hàng này trích hơn 90 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2023. Do đó, VietBank chỉ còn lãi trước thuế hơn 73 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.
Tương tự, Eximbank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng trong quý I/2024, gấp 3 cùng kỳ và chỉ còn lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24%. VietinBank dành hơn 8.049 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm, tăng 20% so với cùng kỳ, nên lãi trước thuế chỉ đạt hơn 6.210 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ. ACB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 512 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, gấp 2 lần cùng kỳ và lãi trước thuế hơn 4.892 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating dự báo, tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng vẫn sẽ ở mức thấp, khoảng 11 - 12% trong năm 2024. Trong đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tư nhân thấp hơn trung bình ngành do phải mất nhiều thời gian hơn để cải thiện tỷ lệ dự phòng sau khi chất lượng tài sản sụt giảm mạnh vào năm 2023.
Cũng theo VIS Rating, tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ chậm lại trong năm nay nhờ khả năng trả nợ của khách hàng cải thiện khi điều kiện kinh doanh trong nước khả quan hơn và lãi suất thấp. VIS Rating kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu (NPL) toàn ngành sẽ giảm xuống 1,7 - 1,8% trong năm 2024 từ mức đỉnh 5 năm là 1,9% ghi nhận vào cuối năm 2023.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 có thể chỉ tăng nhẹ so với cuối năm 2023 (ước tính từ mức 1,63% tăng lên 1,68%), vì các ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc xóa nợ xấu và nền kinh tế được dự báo phục hồi mạnh hơn vào cuối năm nay. Dù vậy, theo SSI, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, các khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ.
Huyền Anh