Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam (VBCA) cho biết, tính đến năm 2016, doanh số sử dụng thẻ nội địa tại POS đã tăng trưởng 54,19% so với năm 2015, trong khi đó, doanh số sử dụng thẻ quốc tế chỉ đạt 29,3%. Số lượng phát hành thẻ nội địa đạt 92,08 triệu thẻ, thẻ quốc tế chỉ đạt 12 triệu thẻ.
Thực tế trên cho thấy, dù doanh số sử dụng thẻ và việc phát triển mạng lưới ATM, POS được các ngân hàng chú trọng đẩy mạnh trong suốt thời gian qua nhưng thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn rất phổ biến. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho doanh số sử dụng thẻ nội địa chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với doanh số sử dụng của các loại thẻ khác.
Ra ATM chỉ để rút tiền
Trong ba năm trở lại đây, thanh toán thương mại điện tử thực sự bùng nổ với doanh số thanh toán liên tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh số thanh toán nội địa tăng 597% từ 2012 – 2016, tăng 48% từ 2015 – 2016; doanh số thanh toán quốc tế tăng 319% từ 2012 – 2016, tăng 47% từ 2015 – 2016.
Cùng với đó là hình thức thanh toán qua các kênh Digital banking (Ecom, Mobile,…) và sự phát triển của việc áp dụng giải pháp tokenization trong thanh toán thẻ để tăng tiện ích, cải thiện trải nghiệm thanh toán cho khách hàng cũng có xu hướng gia tăng.
Tuy nhiên, ông Đào Minh Tuấn – Chủ tịch VBCA – cho biết dù có sự tăng trưởng trong việc sử dụng thẻ để chi tiêu tại đơn vị chấp nhận thẻ, doanh số sử dụng thẻ nội địa chi tiêu tại POS tăng đều qua các năm nhưng vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
Thống kê của VBCA cho thấy, doanh số rút tiền mặt/ATM/năm tăng mạnh qua các năm (từ 60 tỷ đồng năm 2012 lên 106 tỷ đồng năm 2016). Hiện nay, giao dịch này chiếm 86,81% doanh số sử dụng của thẻ nội địa. Điều đó cho thấy thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn rất phổ biến.
Đánh giá về phát triển mạng lưới POS, ông Tuấn cho rằng thẻ quốc tế vẫn là loại thẻ được sử dụng chủ yếu để thanh toán tại POS. Số lượng máy POS và doanh số thanh toán thẻ tại POS cũng tăng lên liên tục qua các năm, song con số này còn ở mức khiêm tốn, hiệu suất giao dịch của 1 POS tuy có tăng nhưng còn rất thấp.
Doanh số giao dịch của một POS năm 2016 chỉ tăng 6% so với năm 2015, trong khi doanh số giao dịch của một ATM của năm 2016 tăng 20% so với năm 2015.
Đánh giá về sự mất cân đối này, các chuyên gia ngân hàng nhấn mạnh đây là một nghịch lý, bởi phát hành thẻ phải song hành với phát triển hạ tầng thanh toán rộng khắp, không phải là cuộc đua gia tăng thị phần thẻ và thực hiện mục đích rút tiền mặt.
“Đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng nhưng doanh thu thu về lại chủ yếu đến từ giao dịch rút tiền mặt là rất lãng phí”, một chuyên gia cho hay.
Trên thực tế, vẫn còn tình trạng người sử dụng “chiếc ví điện tử” này gặp nhiều bất tiện do mạng lưới chấp nhận thẻ mỏng, thiếu đồng bộ và liên kết giữa các ngân hàng.
![]() |
Doanh số giao dịch của một POS năm 2016 chỉ tăng 6% so với năm 2015, trong khi doanh số giao dịch của một ATM của năm 2016 tăng 20% so với năm 2015.
Làm sao “hút” người dùng
Chị Mỹ Dung (Hà Đông – Hà Nội) trong một lần gia đình tới dùng bữa tại một nhà hàng Hàn Quốc trên địa bàn quận Thanh Xuân, lúc thanh toán tiền chị dùng thẻ ATM do ngân hàng Maritimebank phát hành, nhưng nhân viên nhà hàng từ chối và cho biết máy POS đặt tại nhà hàng chỉ thanh toán bằng thẻ tín dụng và thẻ trả trước, không thanh toán bằng thẻ ATM.
Cũng rơi vào tình trạng tương tự, chị Thu Hà đi uống cà phê cùng bạn bè nhưng đến khi thanh toán bằng thẻ ATM nội địa, nhân viên quán cho biết chỉ thanh toán bằng thẻ tín dụng. Vì vậy, chị Hà đã phải đi hơn 6km mới tìm được điểm rút tiền bằng ATM.
Trong khi đó, Việt Nam được đánh giá là nước có nền tảng tốt để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, song hệ thống máy POS hiện nay khá hạn chế, chủ yếu đặt ở các thành phố lớn. Cùng với đó là sự thiếu liên kết giữa các ngân hàng với nhau khiến người dùng thẻ khó khăn trong quá trình thanh toán.
Mặt khác, các chủ cửa hàng cũng không hào hứng với việc lắp đặt máy POS do phải trả phí lắp đặt máy cho ngân hàng khoảng 2 – 3% trên tổng số hóa đơn thanh toán tiền hàng.
Ngoài ra, phí thanh toán mà khách hàng phải trả khi giao dịch bằng thẻ ATM còn cao, khiến nhiều người tiêu dùng không mấy hào hứng với việc sử dụng thẻ.
Theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm bớt giao dịch tiền mặt, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán dưới 10%, ngành ngân hàng cần phải tạo được sự tiện ích về dịch vụ, tính bảo mật cao để khách hàng cảm thấy giao dịch bằng thẻ hay thanh toán trực tuyến đem lại lợi ích nhiều hơn là trả tiền mặt.
Bên cạnh đó, cũng cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích của cơ quan quản lý để các điểm cung cấp ứng dụng dịch vụ sẵn sàng lắp đặt POS và sử dụng thường xuyên.
Huyền Anh