Rốt cuộc, sau một loạt các cuộc tranh chấp quyền lực trước đó được ví như “nội chiến”, 2 ngày sau cuộc họp đại hội cổ đông, vào ngày 17/2, Eximbank đã công bố tân chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 - 2025) là bà Lương Thị Cẩm Tú - thành viên HĐQT.
Vừa mới vừa cũ
Bà Tú từng là tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á (Nam A Bank) trước khi vào HĐQT Eximbank vào tháng 4/2018. Tranh chấp đã từng xảy ra dữ dội tháng 3/2019 sau khi 7 thành viên HĐQT Eximbank họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới của nhiệm kỳ 2015 - 2020 là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc, dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.
Những “cuộc chiến” giữa các nhóm cổ đông kéo dài khiến tình hình kinh doanh của Eximbank thua sút nhiều ngân hàng khác. |
Về vị trí chủ tịch ở Eximbank, nhiều ý kiến cho rằng hầu như khác với những ngân hàng thương mại cổ phần khác. Đó là chủ tịch HĐQT chưa hẳn đã là “ông chủ” thực sự của ngân hàng, và không hẳn là cổ đông lớn.
Bên cạnh câu chuyện “vừa mới vừa cũ” với vị nữ chủ tịch mới thì điều mà nhiều người đang quan tâm là thông tin về “thế lực” mới nổi Thành Công Group cùng nhóm đồng minh hiện sở hữu khoảng 30% cổ phần của Eximbank.
Tại đại hội cổ đông Eximbank hôm 15/2 có 2 thành viên thuộc đại diện chính thức Thành Công Group vừa được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 là bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại. Không chỉ vậy, trong Ban kiểm soát EIB nhiệm kỳ 2020 – 2025 có 1 người là thành viên của Thành Công Group là bà Nguyễn Thị Hiền Ngọc (sinh năm 1969).
Bà Lê Hồng Anh, sinh năm 1975, là vợ của ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT của Thành Công Group. Theo lý lịch trích ngang, bà Anh có sự nghiệp gắn bó với Thành Công Group.
Bà Hồng Anh từng trải qua các vị trí: Phó Giám đốc phụ trách Tài chính kế toán Công ty TNHH Cơ khí Thành Công, Phó Tổng giám đốc thường trực phụ trách kế toán CTCP Tập đoàn Thành Công, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công Phạm Hùng, và hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH TCG Land.
Còn ông Đào Phong Trúc Đại sinh năm 1975, cũng là nhân sự có liên quan tới Thành Công Group. Ông Đại từng là Giám đốc tài chính CTCP kỹ thuật dịch vụ Thành Công, Tổng giám đốc CTCP Khu công nghiệp tổ hợp công nghệ Thành Công Việt Hưng, Tổng giám đốc CTCP Phát triển KCN Việt Hưng, Tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.
Quanh thông tin về “thế lực” mới nổi đang nắm 30% cổ phần ở Eximbank, qua tìm hiểu được biết từ đầu năm 2019 nhóm nhà đầu tư Thành Công Group đã bắt đầu mua gom cổ phiếu ở ngân hàng này.
Khó tránh rủi ro
Vào tháng 4/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Thành Công Group, có văn bản gửi Chủ tịch HĐQT Eximbank khi đó là ông Lê Minh Quốc và HĐQT ngân hàng này và cho biết nhóm nhà đầu tư Thành Công Group đã sở hữu tới 12,97% cổ phần Eximbank.
Sau đó, tỷ lệ sở hữu của Thành Công Group tại ngân hàng này dần tăng lên cho đến nay. Giới quan sát từng nhận định cuộc tranh đấu quyền lực từ đầu nhiệm kỳ HĐQT (2015) đã cho thấy tham vọng sở hữu Eximbank (nếu có) của ông Nguyễn Anh Tuấn cùng Thành Công Group sẽ không hề dễ dàng và hứa hẹn tiêu tốn rất nhiều tiền bạc.
Nhiều năm nay, khi nhắc đến Eximbank thì dư luận lại đề cập đến những “cuộc chiến” giữa các nhóm cổ đông của ngân hàng kéo dài khiến tình hình kinh doanh của nhà băng này bết bát trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng “ăn nên làm ra” trong năm vừa rồi.
Ngân hàng này từng “lập kỷ lục” chỉ trong vòng 2 năm có tới 5 đời chủ tịch HĐQT. Không chỉ vậy, vào tháng 2/2022, ngay trước khi diễn ra đại hội cổ đông, đối tác Nhật Bản là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã thoái vốn khỏi Eximbank sau hơn 14 năm làm cổ đông chiến lược.
Cho nên, được xem như “thế lực” mới nổi giành quyền sở hữu tại Eximbank thì điều mà nhiều người kỳ vọng là liệu liên minh của Thành Công Group có thể giúp mang lại sự ổn định cho ngân hàng này hay không? Nhất là khi vai trò chủ tịch HĐQT tại Eximbank thời gian qua được đánh giá là khá mờ nhạt và đầy xáo trộn.
Ngoài ra, nhiều người cũng quan tâm đến tình hình “sức khoẻ” về tài chính, hoạt động kinh doanh của Thành Công Group hiện nay như thế nào sau thời gian từ mảng sở trưởng là ngành ô tô đã mở rộng đầu tư vào bất động sản và mảng tài chính ngân hàng.
Điều lo ngại nhất là từng có những cảnh báo bức tranh tài chính ở một số DN vốn dĩ rất thành công ở ngành gốc nhưng khi tấn công vào những ngành sở đoản như ngân hàng hay bất động sản lại chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro.
Trong đó, dòng tiền là điều đáng lưu tâm với những DN liên tục dùng nguồn vốn vay để tài trợ cho các hoạt động góp vốn vào các DN bất động sản, đầu tư tài chính, mua gom cổ phiếu ngân hàng…Nhất là với những ngân hàng làm ăn bết bát, nhiều nợ xấu, nội bộ đấu đá nhau triền miên thì những rủi ro là khó tránh khỏi.
Thanh Loan