Thông tư 22 vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, từ tháng 1 đến hết tháng 9 năm sau, tỷ lệ vốn ngắn hạn được dùng cho vay trung dài hạn là 40%. Từ tháng 10/2020 đến hết tháng 9/2021, tỷ lệ này giảm còn 37%; từ tháng 10/2021 đến hết tháng 9/2022 là 34% và từ tháng 10/2022 là 30%.
Có kịp xoay xở?
Với quy định trên, vấn đề đặt ra là liệu các ngân hàng có xoay xở kịp thời để đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn về mức 30% trong vòng 3 năm?
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần cho rằng việc đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40% trong bối cảnh lãi suất chịu nhiều áp lực, huy động trung dài hạn hiện nay vẫn rất khó khăn là một thách thức cho các nhà băng.
Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn vào cuối tháng 8/2019 chỉ có 27,61%. Trong đó, nhóm NHTM nhà nước là 30,61%, nhóm NHTM cổ phần là 30,91%.
Như vậy, nhìn chung phần lớn ngân hàng đã đáp ứng được yêu cầu của quy định này. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn rất nhiều ngân hàng nhỏ có tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trên 40%. Do đó, mặc dù lộ trình kéo tỷ lệ này xuống ở mức khá thấp là 30% còn gần 3 năm nữa, nhưng điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới không ít nhà băng.
Theo các chuyên gia, cơ cấu tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng hiện nay đang có sự mất cân đối về kỳ hạn. Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn đang chiếm 78% trong khi vốn huy động trung và dài hạn chỉ chiếm 22%. Vì vậy, các NHTM đang cần vốn trung và dài hạn. Điều đó dẫn đến hiện tượng thời gian qua, các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động, đặc biệt ở các kỳ hạn dài nhằm cân đối nguồn vốn và đáp ứng lộ trình siết tỷ lệ vốn của NHNN.
Do đó, kể cả khi NHNN hạ trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn vừa qua cũng chỉ có tác động đến mặt bằng lãi suất huy động ngắn hạn, trong khi mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn vẫn ở mức khá cao.
Theo đánh giá của giới phân tích, lãi suất huy động kỳ hạn dài thời gian tới sẽ không thể giảm và việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng sẽ khó khăn hơn.
Lãi suất huy động kỳ hạn dài thời gian tới sẽ khó giảm |
Lãi suất huy động sẽ khó giảm
NHNN cho biết lãi suất huy động bằng VND hiện phổ biến ở mức 0,2- 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5- 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5- 7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.
Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6,0- 9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Một số công ty chứng khoán cũng đưa ra nhận định việc siết chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có thể tiếp tục làm tăng lãi suất huy động kỳ hạn dài. Tuy nhiên, điều này không quá đáng lo ngại, bởi nếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn thì doanh nghiệp cũng sẽ chuyển sang kênh huy động vốn này, làm giảm nhu cầu vốn trung và dài hạn qua kênh ngân hàng. Điều đó cũng phù hợp với chủ trương phát triển thị trường trái phiếu mà Chính phủ đã đề ra.
Ts. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng, đánh giá các nhà băng có đủ thời gian để chuẩn bị và đáp ứng đúng quy định của NHNN đặt ra. Điều quan trọng nhất đạt được khi thực hiện chủ trương này là giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng có trách nhiệm hơn, phải suy xét, cân nhắc kỹ càng khi cho vay các khoản vay trung dài hạn. Theo xu hướng này, ngân hàng chỉ là kênh cấp vốn ngắn hạn, còn doanh nghiệp muốn vay vốn trung, dài hạn thì phải ra thị trường vốn.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình với quyết định siết dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN. “Về nguyên tắc, cơ cấu nguồn vốn huy động như nào thì phải cho vay như thế, không thể lạm dụng quá nhiều việc dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn được”, một chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, NHNN cần có những biện pháp quản lý có tính chất dài hơi hơn, chứ không đơn thuần chỉ là biện pháp hành chính như hiện nay, điển hình như quy định tỷ lệ cấp tín dụng so với vốn huy động từ ngày 1/1/2020 tối đa ở mức 85%. Quy định này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các ngân hàng, bởi tỷ lệ cho vay so với huy động của các NHTM đang ở mức khá cao.
Theo NHNN, cuối tháng 9, tỷ lệ huy động/ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng vẫn còn lên tới 88,13%. Trong đó, nhóm NHTM nhà nước là 91,47%, nhóm NHTM cổ phần 84,61%.
Hoàng Hà