Trong nhóm 4 ngân hàng gốc quốc doanh lớn nhất, Vietcombank hiện có tỷ lệ nợ xấu khá thấp và đặt mục tiêu kiểm soát dưới mức 3%. Trước đó, hồi tháng 9/2013, nợ xấu của ngân hàng "bỗng" dâng lên tới gần 7.470 tỷ đồng, chạm ngưỡng 3%. Riêng nợ nhóm 5 - có nguy cơ mất vốn - đã tăng gần gấp đôi, đạt hơn 2.683 tỷ đồng.
Biện pháp kỹ thuật!
Kế hoạch rà soát, đánh giá nợ xấu đã được triển khai rốt ráo trên toàn hệ thống Vietcombank, nhằm lựa chọn, bán bớt những khoản nợ xấu không cần duy trì.
Khoảng 6 tháng sau, Vietcombank công bố báo cáo tài chính riêng quý I/2014 với số liệu nợ xấu dường như cũng không "đẹp" hơn. Cụ thể, tính đến hết ngày 31/3/2014, nợ xấu nhóm 3 - 5 của Vietcombank lên tới hơn 7.340 tỷ đồng, chiếm 2,64% tổng dư nợ. Trong số này, nợ có khả năng mất vốn tiếp tục tăng từ 2.683 tỷ đồng lên hơn 3.020 tỷ đồng.
Để giảm nhanh tỷ lệ nợ xấu, hiện nay, các ngân hàng có nhiều lựa chọn: tăng dư nợ tín dụng, xử lý thu hồi nợ xấu, bán nợ cho VAMC hay "sang tay" cho các chủ nợ - ngân hàng, công ty tài chính khác… Và, mỗi lựa chọn đều đem lại cho ngân hàng cả cái lợi và thiệt hại.
Với Vietcombank, giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng dường như đã có tác dụng đáng kể trong việc hỗ trợ "dọn" nợ xấu trên sổ sách. Chỉ bằng cú "lội ngược dòng" vào 2 tháng cuối năm 2013, tín dụng Vietcombank đã bất ngờ cán đích 13%, dù trước đó, kết quả cho vay ra khá... lẹt đẹt.
Về mặt số học, nếu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt mức 13% như năm ngoái, tương ứng tổng dư nợ cho vay khách hàng đến cuối năm 2014 đạt khoảng 276.229 tỷ đồng, thì tỷ lệ nợ xấu sẽ được duy trì ở mức 2,65% (giả định nợ xấu không tăng thêm đáng kể). Và nếu tín dụng tăng được mức 15% như kỳ vọng của lãnh đạo ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu sẽ có thể cải thiện hơn nữa.
![]() |
Vietcombank hiện có tỷ lệ nợ xấu khá thấp
Biện pháp tăng dư nợ được cho là khả thi hơn việc thu hồi nợ xấu - hiện đang không hiệu quả do khách hàng vay mất khả năng thanh toán, không có nguồn thu trả nợ, tài sản giảm giá trị…
Trường hợp tự xử lý, bán tài sản, ngân hàng có thể không thu hồi đủ vốn, phải lấy nguồn dự phòng rủi ro để bù đắp phần mất vốn hoặc phần xóa nợ. Chỉ riêng năm 2013, Vietcombank cho biết đã phải chi hơn 2.120 tỷ đồng từ nguồn dự phòng rủi ro để xử lý các khoản nợ khó đòi.
Với giải pháp bán nợ xấu cho VAMC, cuối năm 2013, HĐQT Vietcombank đã phê duyệt kế hoạch bán hàng loạt khoản nợ lớn tại các chi nhánh.
Cụ thể, bán nợ Công ty TNHH MTV tôn Vinashin (chi nhánh Thái Bình và Hải Dương), Công ty CP Thép Đình Vũ (Chi nhánh Vietcombank Hải Phòng), Công ty CP XNK Bình Định và Công ty TNHH Thương mại Hà Thanh (tại Chi nhánh Vietcombank Quy Nhơn), Công ty CP Sản xuất Thiên Sơn (tại Chi nhánh Vietcombank Tp.HCM)…
Những con nợ khó đòi
Đã có những khách hàng "thân thiết" đóng góp vào thành tích tăng trưởng tín dụng của Vietcombank giai đoạn trước, nay trở thành những con nợ khó đòi. Trong danh mục nợ xấu bán cho VAMC, được biết, Công ty CP Thép Đình Vũ được Vietcombank hợp vốn cùng các ngân hàng khác cấp tín dụng lớn với tổng dư nợ cho vay có lúc trên 256 tỷ đồng (năm 2008). Nhưng, công ty này liên tục làm ăn thua lỗ với số lỗ trong năm 2008 - 2009 hơn 342 tỷ đồng, dẫn tới, khó trả nợ đầy đủ cho ngân hàng.
Tại chi nhánh Vietcombank Hải Phòng, từ năm 2011, ngân hàng này đã phải tiến hành xử lý, thu hồi nợ xấu của Công ty CP Thép Vạn Lợi. Thời điểm ấy, công ty này đang vay nợ 6 tổ chức tín dụng ở cấp chi nhánh (Vietcombank Hải Phòng, BIDV Bắc Hà Nội và chi nhánh Hải Dương, Agribank Quảng Ninh, Techcombank Hoàn Kiếm, PVFC Hải Phòng) với tổng dư nợ lên tới trên 1.000 tỷ đồng.
Khoản cho vay của Chi nhánh Vietcombank Hải Phòng chủ yếu là từ nguồn vốn nhận ủy thác của các tổ chức khác. Thời điểm năm 2011, toàn bộ nợ của DN này đã được xếp vào nhóm 5 - nợ có nguy cơ mất vốn - với tổng dư nợ hơn 249 tỷ đồng và 3,78 triệu USD.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, trong 3 năm qua, Vietcombank đã phải đàm phán rất căng thẳng với các chủ nợ của Thép Vạn Lợi để xử lý khối nợ xấu này, thu hồi vốn vay. Đã có lúc, các chủ nợ ngân hàng phải tranh giành tài sản bảo đảm (nguyên liệu quặng sắt, thiết bị…) với các chủ nợ bên ngoài.
Trong một nỗ lực "giải cứu" cho DN, các ngân hàng đã quyết định bán nhà máy sản xuất phôi thép Vạn Lợi sau thời gian dài đóng cửa, ngừng hoạt động. Được biết, đối tác mua là Công ty CP Thép Lam Giang (thuộc Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú).
Mặc dù giá bán không được tiết lộ, nhưng Thép Lam Giang cam kết nhận lại hết công nợ của Thép Vạn Lợi, trong đó, có khoản hơn 385 tỷ đồng đã đầu tư vào nhà máy phôi. Nhờ đó, nợ xấu của DN này đã được "dọn" sạch khỏi sổ sách của các ngân hàng, còn khả năng thu nợ thực tế ra sao hiện vẫn là điều… bí ẩn.
Với nhiều biện pháp xử lý, việc kiểm soát nợ xấu dưới mức 3% mà lãnh đạo Vietcombank cam kết tại ĐHCĐ vừa qua có thể sẽ khả thi hơn. Và, kế hoạch bán khoảng 1.100 tỷ đồng nợ xấu sang cho VAMC trong năm 2014 có lẽ chỉ được tính đến sau cùng, dành cho những khoản nợ "còn đủ điều kiện".
Thu Hằng