Không để tình trạng ATM hết tiền vào dịp cuối năm. |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận định, từ nay đến Tết Nguyên đán 2021, nhu cầu thanh toán điện tử và giao dịch qua ATM tăng đột biến. Vì vậy, các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các đơn vị thuộc NHNN phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt của hệ thống.
Cụ thể, các ngân hàng giám sát chặt chẽ để phát hiện và tiếp quỹ kịp thời đối với các ATM hết tiền; có biện pháp xử lý kịp thời các sự cố đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn, thông suốt (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn); hỗ trợ, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình giao dịch qua ATM, ưu tiên xử lý nhanh chóng đối với các trường hợp ATM nuốt thẻ của khách hàng.
Không để xảy ra hiện tượng quá tải do nhu cầu giao dịch của khách hàng tăng đột biến như tăng cường hoạt động ATM lưu động (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đã trang bị ATM lưu động); chủ động làm việc với các doanh nghiệp để điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý; triển khai giải pháp thay thế ATM như chi trả tiền mặt tại bàn/quầy lưu động; chi trả qua máy POS của ngân hàng…
Bên cạnh đó, cần chủ động cung cấp thông tin, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại ATM cũng như góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn có thể diễn biến phức tạp...
Đối với CTCP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) phải giám sát chặt chẽ, kịp thời xử lý các sai sót, sự cố đảm bảo hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử hoạt động ổn định, an toàn, liên tục, đáp ứng nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến trong dịp cuối năm, Tết Nguyên đán…
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và Sở Giao dịch - NHNN: Căn cứ quy định của NHNN về thời gian hoạt động của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng trong thời gian quyết toán cuối năm và Tết Nguyên đán đảm bảo xử lý kịp thời các chứng từ đã được gửi đến trong ngày, tránh để xảy ra chậm trễ, ách tắc trong thanh toán…
Trước đó, theo đánh giá của NHNN, năm 2020 dịch Covid-19 đã tác động khó khăn nhưng là cơ hội để thanh toán không dùng tiền mặt phát triển tích cực, với việc ứng dụng công nghệ 4.0, phát triển ngân hàng số, phát triển nhanh những nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động thanh toán, qua đó giúp tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu.
Đến cuối tháng 10/2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 22,2 triệu tỷ đồng (tăng 8,3% về số lượng và 25,5% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019).
Cùng với đó, tính đến ngày 30/6/2020, số lượng ATM lưu hành trên thị trường đạt trên 19 nghìn máy, số lượng máy POS đang lưu hành đạt trên 189 nghìn máy, giảm so với năm 2019. Thống kê cho thấy, hiệu suất giao dịch trên 1 POS ở Việt Nam tăng qua các năm và đạt tăng trưởng 15% trong 6 tháng đầu năm 2020. Loại thẻ được sử dụng chủ yếu để thanh toán tại POS vẫn là thẻ quốc tế (chiếm tỷ trọng 73%).
Với những số liệu này NHNN cho rằng, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ gia tăng mạnh trong 2 tháng cuối năm.
Huyền Anh