Ngày (22/4), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương - TechcomBank (Mã: TCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, nhiều vấn đề quan trọng được đưa ra bàn thảo như: cổ tức, giá cổ phiếu, cho vay bất động sản (BĐS), trái phiếu...
Chưa cần thiết tăng vốn
Cổ đông đặt câu hỏi về giá cổ phiếu TCB và yêu cầu lãnh đạo ngân hàng chia sẻ lý do để cổ đông tiếp tục nắm giữ cổ phiếu.
Tổng giám đốc Techcombank ông Jens Lottner cho biết, năm 2021, Techcombank đạt lợi nhuận ở mức kỷ lục, vượt 1 tỷ USD và là một trong 2 ngân hàng ở Việt Nam có lợi nhuận tỷ đô khi có lãi trước thuế hơn 23.200 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 47% so với 2020. Tổng tài sản tăng 29,4%. Tổng nguồn vốn tăng 14,6%.
Sau những kết quả được đánh giá là tốt bậc nhất thị trường hiện nay, ông Jens Lottner nói thêm: "Tôi có thể hiểu được tâm tư của cổ đông là ngân hàng hoạt động tốt như vậy nhưng các kết quả đó đã được phản ánh đầy đủ trong giá cổ phiếu hay chưa, thì rất tiếc phải trả lời là chưa".
![]() |
Đại hội đồng cổ đông Techcombank năm 2022 |
Về vấn đề chia cổ tức, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank cho biết: "Việc chia cổ tức hay không phụ thuộc vào lộ trình phát triển của ngân hàng, gắn liền với lợi ích của cổ đông. Techcombank sẽ điều chỉnh vốn điều lệ để phù hợp với nhu cầu phát triển, nhưng hiện nay chúng tôi thấy việc tăng vốn là chưa cần thiết".
Năm 2018 Techcombank đã chia cổ tức tới 300%, nhưng sau đó giá cổ phiếu đã giảm tới 3 lần, vì chia cổ tức bằng cổ phiếu thì giá trị doanh nghiệp vẫn như vậy trong khi cổ đông lại bị đánh thuế thu nhập cá nhân 5%, tôi không thấy có lợi cho ngân hàng và cổ đông. Với ROE của Techcombank đã đạt mức hơn 20%, tôi cho rằng đây là một khoản đầu tư rất tốt.
Một cổ đông chất vấn: Trái phiếu đang là vấn đề đang "nóng", trong tổng dư nợ trái phiếu của ngân hàng là 62.000 tỷ đồng thì bao nhiêu % đến từ BĐS, cụ thể ở những mảng gì và đánh giá rủi ro ra sao?
Ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, Thủ tướng vừa qua đã nêu rõ quan điểm của Chính phủ là phát triển thị trường vốn lành mạnh. Thực tế, cơ quan quản lý không hạn chế thị trường vốn mà đang làm sạch và một số vấn đề tiêu cực xảy ra vừa qua là thiểu số.
Do đó, việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là chiến lược phù hợp mà Techcombank đã lựa chọn. Lý do mà Techcombank giữ khoảng 62.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến cuối năm 2021 vì tin tưởng vào khả năng quản lý rủi ro của mình và sẵn sàng cung cấp nguồn trái phiếu đó cho các cá nhân và doanh nghiệp nếu họ có nhu cầu đầu tư.
Năm 2022, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%.
Chủ tịch Hồ Hùng Anh nhấn mạnh: Khi đầu tư vào trái phiếu, ngân hàng phải thẩm định như một khoản cho vay trung dài hạn từ phương án kinh doanh, dòng tiền… đảm bảo nguồn trả nợ của khách rất chặt chẽ. Đồng thời đây là cơ hội để Techcombank giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư trái phiếu tốt. Với quan điểm như vậy, Techcombank làm rất chặt chẽ và kết quả được thể hiện những năm qua khi tỷ lệ nợ xấu rất thấp.
“Công ty cổ phần chứng khoán kỹ thương (TCBS) tham gia thẩm định cùng ngân hàng, xếp hạng các tổ chức một cách lành mạnh giúp nhà đầu tư tham gia vào thị trường vốn một cách minh bạch”, lãnh đạo Techcombank nói.
Tỷ lệ nợ xấu cho vay BĐS bằng 0
Về lĩnh vực BĐS, cổ đông đặt câu hỏi: Năm nay chủ trương chung là siết chặt vấn đề này, mảng cho vay đầu tư mua bán BĐS là mảng lớn của ngân hàng. Vậy trong kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận 2022, 16,2% đã tính tới việc ảnh hưởng của suy giảm từ việc siết chặt BĐS hay chưa? và “Việc siết tín dụng BĐS của ngân hàng có phải xuất phát từ rủi ro trong cho vay BĐS thời gian qua hay không?”.
Ông Hồ Hùng Anh đánh giá, đây là thị trường rất rộng gồm nhà ở, nghỉ dưỡng, hạ tầng, khu công nghiệp... Vấn đề nằm ở chỗ là hiện có một số dự án treo, găm đất, hành vi mua bán đất đai ở các khu có tin đồn sốt đất… đầu tư như vậy là đầu cơ không mang lại giá trị. Còn phát triển dự án BĐS tốt thì sẽ mang lại giá trị phát triển, là hoàn toàn hợp lý. Những dự án đầu tư bài bản vẫn đang được đón nhận tích cực.
Với một quốc gia trẻ như Việt Nam, việc phát triển thị trường BĐS là rất bình thường và trong 5-10 năm nữa sẽ tiếp tục phát triển, ngân hàng vẫn kỳ vọng có cơ hội đầu tư tốt. “Tôi không nghĩ Techcombank sẽ thay đổi chiến lược dài hạn về lĩnh vực BĐS”, Chủ tịch Techcombank nói.
Về rủi ro trong cho vay BĐS, ông Hồ Hùng Anh nhấn mạnh, trong những năm vừa qua Techcombank đang làm rất tốt, các dự án mà Techcombank đầu tư đều có các chủ đầu tư, lãnh đạo uy tín. Cho vay BĐS tập trung nhiều vào nhóm cho vay người mua nhà, hạn chế tối đa việc cho vay khu đất, hoặc dạng có khả năng đầu cơ, không mang lại giá trị thặng dư.
Thêm vào đó, NHNN quản lý việc cho vay BĐS rất chặt chẽ khi tính tỷ lệ an toàn vốn đối với lĩnh vực này lên tới 250%, tức là mức độ chịu đựng rất cao.
"Còn vừa rồi có thông tin Techcombank hạn chế cho vay BĐS là nằm trong quy định chung. Với khách hàng tốt, dự án tốt ngân hàng vẫn tài trợ", ông nói.
Chia sẻ thêm, Tổng giám đốc ông Jens Lottner cho biết: "5 năm qua, ngân hàng không có một vấn đề nào với các khoản vay BĐS. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) gần như bằng 0 đối với cho vay BĐS. Do đó, những định hướng của ngân hàng vẫn được duy trì”.
Thanh Hoa