Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024 trực tuyến với 63 địa phương diễn ra ngày 7/10, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, thời gian gần đây, tình hình lạm phát trên thế giới đang giảm dần về mức mục tiêu, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có điều chỉnh giảm lãi suất 0,5% sau rất nhiều tháng cân nhắc, thận trọng.
Chỉ số USD mặc dù vẫn tăng so với đầu năm, tuy nhiên, áp lực đã dịu bớt, tạo thuận lợi có thể thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Đây là một động lực quan trọng cho nền kinh tế.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: VGP |
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng nổi bật, ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước là khoảng 580 tỷ USD, tăng 16,2%.
Đặc biệt, hàng xuất khẩu tăng ở tất cả các mặt hàng, xuất khẩu của khu vực của doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng gấp gần 2 lần so với các doanh nghiệp FDI. Cán cân thương mại đến thời điểm này xuất siêu khoảng gần 21 tỷ USD.
Đối với kinh tế trong nước, bà Hồng cho biết, các động lực tăng trưởng kinh tế từ phía cung và phía cầu đều có sự cải thiện và có sự phục hồi. Tuy nhiên, động lực tiêu dùng chưa được cải thiện nhiều và phản ánh qua tổng mức bán lẻ (loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,3%) - thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái (8%).
Lạm phát được kiểm soát khá ổn định, khả năng đạt được mục tiêu của năm 2024. Đồng thời, đảm bảo bình quân lãi suất cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,5%, VND mất giá khoảng 1,66% - là mức mất giá phù hợp và cũng tạo điều kiện ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã tích cực đẩy mạnh tín dụng, đến 30/9, tín dụng tăng 9%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy mục tiêu tăng trưởng 15% năm nay là hoàn toàn khả thi.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/10, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến 27/9 đạt 8,53%, trong khi cùng kỳ năm ngoái mới đạt khoảng 6,24%. Ước tính, hệ thống ngân hàng đã bơm ra nền kinh tế thêm gần 1,16 triệu tỷ đồng từ đầu năm tới nay.
Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, gói hỗ trợ về thuỷ sản và lâm sản đã nâng từ 30.000 tỷ lên 60.000 tỷ.
Các tổ chức tín dụng đã đăng ký các gói tín dụng mới để cho vay mới và giảm lãi suất. Cụ thể, hiện nay, có 30/45 tổ chức tín dụng đăng ký, tổng giá trị là 405.000 tỷ, lãi suất sẽ giảm từ 0,5-2%...
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, do 98% doanh nghiệp ở nước ta là nhỏ và vừa, vì vậy cần có đánh giá để tăng cường bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp này, từ đó tạo khơi thông dòng vốn tín dụng.
Đồng thời, Thống đốc cho biết ngành ngân hàng cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu sẽ tổ chức lễ chuyển giao 2 ngân hàng 0 đồng; 2 ngân hàng còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mà Nhà nước mua lại 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thanh Hoa