Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức, cá nhân mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất kỳ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm các quy định vĩnh viễn không được tham gia quản trị, điều hành ngân hàng.
Cần dòng tiền thật
Giai đoạn hai của hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang được triển khai mạnh mẽ như hiện nay cho thấy việc lựa chọn kỹ các nhà đầu tư (NĐT) tham gia quá trình này hết sức quan trọng.
Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, vốn của các tập đoàn, DNTN Việt Nam đa phần dựa vào ngân hàng, trong khi số liệu chính xác về tổng tài sản, tiền gửi, số nợ tại ngân hàng lại thiếu minh bạch. Chính vì vậy, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho NĐT nước ngoài (nới room cho khối ngoại) được nhiều người xem là một giải pháp thích hợp để gọi vốn bằng “tiền tươi, thóc thật” vào hệ thống ngân hàng, nhằm nâng cao năng lực tài chính, thúc đẩy mở rộng quy mô, xử lý nợ xấu, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản trị tốt hơn.
Theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hiện tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam ở mức 30%, trong đó một tổ chức không được sở hữu quá 20%.
Đại diện một NHTM cho hay, quy định này sẽ khó hấp dẫn được nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào hệ thống ngân hàng vì với mức room này, họ khó có tiếng nói chi phối trong HĐQT. Do đó, cần phải xem xét việc tăng room, bước đầu có thể làm theo lộ trình từ 30% lên 35%, rồi nâng dần lên 40 – 45%.
Trên thực tế, không chỉ các ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu mà hầu hết ngân hàng nào hiện nay cũng có nhu cầu nâng vốn, nhưng không ít ngân hàng trong số đó đã cạn room cho NĐT nước ngoài.
Cụ thể, room cho khối ngoại tại Vietinbank đã gần cạn kiệt, chỉ còn 2,25% do đã bán cho The Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ 19,73%, IFC giữ 8,02%; ABBank không còn do đã bán cho MayBank 20% và IFC 10%. Ngoài ra, một số ngân hàng khác như Techcombank, VIB, HSBC… cũng đã tỷ lệ cổ phần nắm giữ của NĐT ngoại ở mức tối đa 20%.
Theo các chuyên gia, việc tăng vốn trước đây nếu dễ dàng thì nay các ngân hàng phải “trầy trật”. Điển hình như trường hợp Nova Group đã rút khỏi quá trình tái cơ cấu Sacombank vào phút chót trước thời điểm diễn ra họp ĐHĐCĐ. Điều này khiến Sacombank phải tiếp tục quá trình tìm kiếm NĐT tiềm năng.
![]() |
Theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hiện tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam ở mức 30%, trong đó một tổ chức không được sở hữu quá 20%.
c cho nhà đầu tư
Hầu hết các công ty trước đây sẵn sàng đổ vốn vào ngân hàng là vì đều nhằm mục đích biến ngân hàng đó thành công ty sân sau, công ty đầu tư tài chính riêng cho mình. Tuy nhiên, quy định mới đây của NHNN đã “siết” chặt việc tuyển chọn NĐT nhằm nâng cao “sức khỏe” cho hệ thống ngân hàng sau khi hàng loạt vụ việc bị phanh phui đưa ra “ánh sáng”, như Ngân hàng TMCP Xây dựng (CB).
Song, bên cạnh đó cũng có không ít ngân hàng đặt mục tiêu tái cơ cấu, đưa ngân hàng phát triển bền vững trong quá trình tuyển chọn nên đã tìm được những NĐT “sạch” có tiềm lực tài chính mạnh để hợp tác.
Điển hình, quyết định tái cơ cấu của Navibank vào năm 2014 được thị trường đánh giá là quyết định táo bạo và tất yếu song rất khó khăn, do thời điểm đó, ngân hàng này có quá nhiều vấn đề về hệ thống quản trị, đặc biệt trong quản trị rủi ro, chiến lược phát triển và phân bổ nguồn lực.
Thời điểm đó, Navibank đã đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và chọn được các cổ đông mới là những NĐT có đủ tiềm lực về “tiền tươi, thóc thật”.
Để đạt mục tiêu hàng đầu về lợi nhuận và “sức khỏe” của mình, NCB xác định không phát triển dàn trải mà dựa vào thế mạnh chuyên biệt, đi vào thị trường ngách, cung cấp gói dịch vụ tài chính cho các DN nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh; đẩy mạnh phát triển tín dụng tiêu dùng mà đối thủ ít khai thác.
Nhờ đi đúng hướng, việc tái cơ cấu của NCB đã mang lại kết quả khả quan, tính đến hết năm 2016, tổng tài sản của NCB đạt 65,243 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2015. Lợi nhuận kinh doanh vượt kế hoạch, tăng mạnh so với năm 2015; nợ xấu duy trì dưới 3%.
Từ trường hợp thành công của NCB, các chuyên gia cho rằng để tái cấu trúc một TCTD thành công cần phải có dòng “tiền tươi, thóc thật” cùng cơ cấu cổ đông và quản lý thực, không bị lợi ích nhóm điều khiển và chi phối.
Và cuối cùng, cần có một bộ máy quản lý dày dặn kinh nghiệm, điều hành một cách minh bạch và đặt lợi ích của ngân hàng lên hàng đầu.
Huyền Anh