Sau hơn nửa năm triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp CNC, dư nợ đạt 36.000 tỷ đồng, với gần 6.400 khách hàng được vay vốn. Theo các chuyên gia tài chính ngân hàng, con số này so với nhu cầu được vay vốn của người dân và DN còn rất thấp.
Gói vay vẫn “cửa đóng, then cài”
Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Ban chấp hành T.W Hội Nông dân Việt Nam cho rằng chủ trương dành cho nông nghiệp CNC một gói tín dụng lên tới 100.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 0,5 – 1,5%/năm so với các chương trình cho vay khác đã mang đến nhiều hy vọng cho DN cũng như người dân làm nông nghiệp CNC nhằm phát triển nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại, bền vững.
Hiện nay có 8 ngân hàng cam kết dành gói tín dụng cho nông nghiệp CNC với tổng số vốn lên đến hơn 130.000 tỷ đồng, vượt mức đề xuất của Chính phủ.
Trong đó, nhiều ngân hàng chủ động tìm kiếm DN có dự án nông nghiệp CNC để cho vay vốn như: Ngân hàng TMCP Bắc Á; Ngân hàng TMCP Ngoại thương… Đặc biệt, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) đã đưa ra gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất giảm 0,5 – 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường đối với các chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, người dân, DN và cả ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Do đó, đến nay, gói tín dụng này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Phát biểu tại một hội thảo gần đây, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin NN&PTNT (Viện Chính sách và Chiến lược PTNT, Bộ NN&PTNT) thông tin, hiện mới chỉ có 29 DN nông nghiệp đáp ứng các tiêu chí và Bộ vừa cấp giấy chứng nhận cho những DN này.
Tại buổi tọa đàm nhằm hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc liên quan đến việc xác định các tiêu chí nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau gần 6 tháng triển khai chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng cho gần 6.400 khách hàng, chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng CNC với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3 – 6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5 – 10%/năm.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng ngân hàng cũng là một DN nên họ cẩn trọng khi cho vay, một khi số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch hiện nay chưa nhiều. Các nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch thiếu các dự án có phương án sản xuất kinh doanh khả thi, hiệu quả, thì ngân hàng cũng khó “nương tay” để đầu tư vốn.
![]() |
Dự án hiện vay vốn nhiều nhất là công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH, là DN đầu tư nhiều vào nông nghiệp CNC, vay vốn tại một số tổ chức tín dụng, trong đó vay tại BacA Bank hơn 790 tỷ đồng. Còn đa số cũng chỉ vay được vài chục tỷ đồng
Ngân hàng khó “nương tay”
Theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, khó khăn lớn nhất hiện nay đó là những tiêu chí để xác định những dự án nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch vẫn chưa rõ ràng và cụ thể khiến ngân hàng không thể duyệt vốn cho dự án.
Trong khi đó, vốn để đầu tư là rất lớn, nhưng hầu hết các sản phẩm đầu tư nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định khiến hiệu quả đầu tư còn hạn chế. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến ngân hàng không thể “nương tay” cho vay vốn.
Theo khảo sát của phóng viên, dự án hiện vay vốn nhiều nhất là công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH, DN đầu tư nhiều vào nông nghiệp CNC, vay vốn tại một số tổ chức tín dụng, trong đó vay tại BacA Bank là hơn 790 tỷ đồng. Còn đa số cũng chỉ được vay vài chục tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng đây là con số quá thấp so với nhu cầu của các DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.
Theo bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân tín dụng nông nghiệp CNC còn chậm là do số lượng DN được chứng nhận còn chậm, điều này khiến đối tượng tiếp cận gói tín dụng trên bị hạn chế.
Chưa kể, tài sản của các DN ứng dụng nông nghiệp CNC chủ yếu là nhà lưới, nhà kính…, song các tài sản này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay.
Tuy vậy, hầu hết các ngân hàng thương mại đều khẳng định sẵn sàng rót vốn với những dự án nông nghiệp CNC khả thi và hiệu quả. “Các ngân hàng thương mại cân đối nguồn vốn để sẵn sàng chờ đợi những dự án “đẹp” trong thời gian tới. Đồng thời, chủ động tiếp cận khách hàng để cho vay đối với các dự án trong lĩnh vực này theo quy định hiện hành”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết.
Huyền Anh