Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 đã bổ sung các quy định siết tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng thương mại, nhưng liệu quy định này có thực sự ngăn chặn sở hữu chéo và lũng đoạn?
11 tập đoàn tài chính chiếm hơn 67% tổng dư nợ tín dụng
Trước đây, các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ thuần túy khai thác một mảng thị trường ngách như ngân hàng bán lẻ, ngân hàng chuyên phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn có thể phát triển được. Tuy nhiên, thực tế thị trường 2-3 năm qua cho thấy, những tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh nhất tại Việt Nam đều có xu hướng đi theo mô hình tập đoàn tài chính, điển hình như VPBank, HDBank, MB…
Vì vậy, xu hướng hình thành các tập đoàn tài chính với hạt nhân là NHTM sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.
Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho hay, tổng tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam là gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính; dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng, chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính, trong khi hệ sinh thái của tập đoàn tài chính tư nhân có cơ cấu phức tạp hơn, nhiều công ty con hoạt động phi tài chính, gồm cả bất động sản.
Những TCTD mạnh nhất tại Việt Nam đều có xu hướng đi theo mô hình tập đoàn tài chính, điển hình như VPBank, HDBank, MB… |
Mô hình tập đoàn tài chính là một nhóm các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính, trong đó có bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán.
Ưu điểm của mô hình này là các công ty con có thể tận dụng lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ giúp tiết giảm chi phí, nâng tầm quản tri, cung cấp các dịch vụ trọn gói, tăng năng lực cạnh tranh cho công ty mẹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng nhược điểm của mô hình này là sở hữu chéo chằng chịt, khó kiểm soát, có tình trạng tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, rủi ro lan truyền hệ thống, lách luật, thiếu minh bạch.
Báo cáo tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa nhận việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Theo các chuyên gia, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung các quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng (TCTD).
Một trong những quy định được quan tâm nhất là việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15% vốn điều lệ. Đồng thời, yêu cầu các TCTD phải công khai thông tin các cổ đông và người liên quan có tỷ lệ sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại TCTD.
Vậy, những quy định của Luật Các TCTD năm 2024 liệu có thực sự ngăn chặn sở hữu chéo và lũng đoạn?
Vẫn có tình trạng "lách luật" thông qua "sân sau"
Tại Hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam”, chuyên kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng theo quy định hiện nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của cá nhân là 15%, tổ chức là 20%, nhưng trên thực tế vẫn có trường hợp "lách luật" thông qua việc nhờ người thân hoặc nhân viên đứng tên hộ. Điều này tạo ra một hệ sinh thái sở hữu chéo chằng chịt, gây khó khăn lớn trong quản lý.
Đồng tình, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cũng đánh giá, việc "lách luật" thông qua công ty sân sau đang trở thành một thách thức lớn. Ông nhấn mạnh: “Cần điều tra dòng tiền của những người có số tiền lớn đầu tư vào ngân hàng. Nếu không, tình trạng này sẽ tiếp tục gây bất ổn cho thị trường tài chính".
Để tăng tính công khai, minh bạch, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI cho rằng: "Luật chặt hay lỏng thì điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ. Đồng thời, công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng”.
Theo đó, chuyên gia này đề xuất thay vì cổ đông sở hữu 1% mới phải công khai thì danh sách toàn bộ cổ đông cần được công khai; thay vì chỉ khách hàng có dư nợ 10% vốn điều lệ ngân hàng mới công bố thì toàn bộ danh sách khách hàng vay vốn đều phải công bố trên website ngân hàng. Chỉ có công khai minh bạch thì mới có giám sát thực sự.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, đề xuất Việt Nam nên có đạo luật về quản lý tập đoàn tài chính. Ông lấy ví dụ hoạt động ở Mỹ, những ngân hàng thuộc về các tập đoàn tài chính được quy định theo Bank Holding Act sẽ do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thanh tra.
“Bank Holding Act có quy định chặt chẽ về hoạt động của các tập đoàn tài chính và các công ty con, đặc biệt là các quy định chuyển giá để ngăn chặn việc các công ty con cho nhau vay, nhiều doanh nghiệp lợi dụng vay lãi suất ưu đãi, với điều kiện dễ dàng, đưa đến rủi ro khủng khoảng”, ông Hiếu nêu.
Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát cũng cần được cải cách mạnh mẽ, áp dụng các chế tài nghiêm khắc hơn, chẳng hạn như rút giấy phép hoạt động đối với những ngân hàng vi phạm quy định sở hữu nhiều lần. “Chỉ cần xử lý nghiêm một vài trường hợp điển hình, toàn hệ thống sẽ phải thay đổi", ông Hiếu nói.
Giải "bài toán" xử lý sở hữu vượt trần không chỉ đòi hỏi sự chặt chẽ trong khung pháp lý mà còn cần ý thức tự giác từ chính các ngân hàng và cổ đông. Nếu không có những bước đi quyết liệt, tình trạng lách luật và sở hữu chéo tiếp tục là điểm nghẽn lớn trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thanh Hoa