Ông Nguyễn Quốc Hùng, tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng kiểm soát tăng trưởng tín dụng bất động sản trong bối cảnh hiện nay là cần thiết, và chỉ kiểm soát với người vay để đầu cơ thổi giá, với người có nhu cầu ở thật ngân hàng vẫn cho vay và chắc chắn không có lý do gì ngưng cho vay.
Ngân hàng “phanh gấp”
Anh Nguyễn Văn Khương (Hà Nội) cho hay: Hơn 7 năm phải đi thuê nhà, nay gia đình anh dành dụm được khoản tiền nhưng vẫn chưa đủ mua nhà, nên anh quyết định vay thêm ngân hàng 500 triệu đồng. Được hẹn giải ngân vào ngày 20-4 nhưng đến ngày này, chi nhánh ngân hàng bất ngờ dừng giải ngân vì có chỉ đạo từ ban lãnh đạo, khiến anh không biết xoay xở ra sao.
Nhiều ngân hàng vẫn còn dư địa mở rộng cho vay và sẽ tăng cường cho vay mua nhà ở thực. |
“Trước đó tôi đã làm thủ tục đặt cọc 100 triệu đồng, nếu không mua nữa tôi sẽ mất số tiền này. Vì vậy, khi ngân hàng từ chối cho vay, gia đình tôi phải chạy vạy khắp nơi để gom đủ số tiền còn thiếu, thậm chí phải vay “nóng” người quen 100 triệu đồng với lãi suất lên đến 25%/năm. Mức lãi này tôi phải tính toán ưu tiên trả trước kẻo “lãi mẹ đẻ lãi con””, anh Khương chia sẻ.
Theo ghi nhận của VnBusiness, không chỉ một ngân hàng “phanh gấp” tín dụng bất động sản, thời gian nhiều nhà băng đã “siết” vốn vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nhu cầu vay vốn mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp rất cao, việc siết vốn cho vay bất động sản sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân và khó đạt được mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cần phải ưu tiên vốn vào lĩnh vực này.
“Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển tín dụng nhà ở, các phân khúc còn thiếu cung. Ngân hàng cần phân bổ vốn phù hợp hơn để hỗ trợ phát triển nhóm bất động sản này”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nói.
Tính đến ngày 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 784.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm ngoái và tăng gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống. Bên cạnh đó, tín dụng cho vay mua nhà, sửa nhà cũng tiếp tục tăng mạnh, đưa tổng dư nợ cho vay bất động sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay của toàn nền kinh tế.
Trước những đề xuất này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định: “Thời gian qua, tín dụng vào bất động sản đã được kiểm soát rất chặt chẽ, tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật; hạn chế đáp ứng cho mục đích đầu cơ".
Lo lãi suất sẽ tăng
Tìm hiểu thị trường gần đây, chị Nguyễn Mai Hương, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) lo lắng: “Động thái “phanh” tín dụng vào bất động sản của nhiều ngân hàng có thể sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng cao. Những người có nhu cầu mua nhà ở thực sự như chúng tôi khó mua được nhà”.
Theo khảo sát của VnBusiness, hiện nay các ngân hàng vẫn duy trì ổn định lãi suất cho vay, trong đó có cả lãi suất cho vay mua nhà, thời hạn vay kéo dài 25-30 năm, giảm áp lực trả nợ từng tháng cho người vay vốn.
Điển hình, MSB đang cho vay mua nhà với lãi suất 4,99%/năm áp dụng cho 3 tháng đầu cho sản phẩm vay mua nhà 24 tháng không bao gồm các dự án liên kết. Theo đó, những khoản vay mua nhà ở của ngân hàng này hiện được cấp hạn mức tín dụng cao nhất lên đến 90% giá trị tài sản thế chấp và kỳ hạn vay 35 năm đối với nhà gắn liền với đất có sổ hồng.
PVcomBank cũng áp dụng lãi suất cho vay mua nhà ở 5%/năm cho 6 tháng đầu, sau đó áp dụng lãi suất 12%/năm, giá trị khoản cho vay lên đến 85% tài sản thế chấp. TPBank và VPBank đang có chung mức lãi suất cho vay mua nhà là 5,9%/năm. Hay Sacombank, VIB có sản phẩm cho vay mua nhà ở với giá trị cấp tín dụng bằng 100% giá căn nhà, lãi suất 8,3%-8,5%/năm thời hạn vay vốn lên đến 25-30 năm…
Mặc dù thời gian qua, một số ngân hàng tuyên bố phải tạm ngừng cho vay bất động sản, song việc siết tín dụng chỉ diễn ra ở một số ngân hàng đã kín hạn mức. Trong khi đó, nhiều ngân hàng TMCP cho hay, vẫn còn nhiều dư địa mở rộng cho vay và sẽ tăng cường cho vay mua nhà ở thực.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản khi thị trường này tăng trưởng nóng là điều cần thiết. Tuy nhiên, bất động sản đã, đang và sẽ là lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là với hệ thống ngân hàng thương mại. Nhu cầu mua nhà để ở của người dân là nhu cầu chính đáng và không bị siết.
Theo ông Vinh, với VPBank, bất động sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu cho vay và tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh thời gian tới. Song Ngân hàng chỉ đẩy mạnh cho vay phục vụ nhu cầu ở thực, tiếp tục kiểm soát tín dụng bất động sản nghỉ dưỡng và đầu cơ.
“Hiện cho vay kinh doanh bất động sản chiếm chưa tới 10% tổng dư nợ, cho vay cá nhân mua nhà chiếm 40% tổng dư nợ tín dụng bán lẻ của VPBank. Bản chất của bất động sản là nhu cầu thiết yếu, nên thời gian tới, Ngân hàng sẽ tiếp tục coi trọng lĩnh vực này”, ông Vinh cho biết.
Các ngân hàng cũng cho biết, thời gian qua nguồn cung nhà ở giá rẻ, phù hợp với người lao động rất hạn hẹp dẫn đến các ngân hàng cũng khó khăn tìm phương án tốt cho vay.
Huyền Anh