Giai đoạn 2004-2008, các ngân hàng thương mại Việt Nam đều có bước phát triển với tốc độ "chóng mặt" về quy mô vốn, mạng lưới hệ thống, tăng trưởng kinh doanh… Để có được sự "lớn" nhanh này, một số ngân hàng như Sacombank, ACB, TechcomBank, AnBinhBank, Phương Đông (OCB)… đã phải đầu tư hàng triệu USD cho phần công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống "Ngân hàng lõi – Core Banking".
Hiệu quả từ quản lý hiện đại
Theo tiết lộ của giới công nghệ, chi phí đầu tư triển khai hệ thống Core Banking cho ngân hàng rất đắt đỏ, trung bình từ 1 triệu USD trở lên. Đơn cử, chi phí với một ngân hàng quy mô vừa mà hãng Temenos cung cấp hiện là 2 triệu USD… Nhưng trên nền tảng công nghệ hiện đại, ngân hàng mới có thể phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, tăng cường quản trị rủi ro hiệu quả hơn…
Sacombank là một trong số ít các ngân hàng đầu tiên "chịu chơi" với công nghệ. Tháng 6/2004, ngân hàng đã chi tới 3 triệu USD (gần 48 tỷ đồng) để mua phần mềm quản lý ngân hàng của hãng Temenos (Thụy Sĩ). Hệ thống công nghệ hiện đại đã giúp Sacombank mang đến nhiều tiện ích cho khách hàng, tiết giảm chi phí, thời gian giao dịch, phát triển sản phẩm mới, cung cấp dịch vụ ngân hàng hoàn chỉnh và tích hợp thông qua mạng ATM, phonebanking…
Hiệu quả là, năm 2004, tổng tài sản của Sacombank tăng tới 42%, đạt 10.394 tỷ đồng, tổng thu nhập kinh doanh đạt 396 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 151 tỷ đồng… Các năm tiếp theo, ngân hàng vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, lãi lớn, minh bạch tài chính, chỉ số an toàn cao… nhờ nền tảng công nghệ hiện đại. Sau 10 năm, các chỉ số kinh doanh đã tăng gấp hàng chục lần và đưa Sacombank vươn lên hàng đầu trong nhóm ngân hàng TMCP.
Các ngân hàng đều đã đầu tư mạnh vào việc ứng dụng CNTT để xây dựng hệ thống Core Banking
Mấy năm gần đây, trước áp lực tái cơ cấu mạnh mẽ và đổi mới công nghệ, các ngân hàng đã tập trung, đầu tư vốn lớn để triển khai dự án "Ngân hàng lõi". Tùy theo khả năng tài chính, nhu cầu, quy mô…, mỗi ngân hàng đã tìm kiếm, lựa chọn hệ thống Core Banking khác nhau với chi phí rất đắt lên tới vài triệu USD. Năm 2013, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcombank) ra đời sau cuộc sáp nhập Tổng công ty tài chính PVFC và WesternBank. PVcombank đã quyết định đầu tư, triển khai hệ thống Core Banking mới là T24 nhằm nâng cao năng lực công nghệ, phát triển các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.
Đồng thời, tăng cường quản lý và cải thiện hiệu quả hoạt động của ngân hàng mới ra đời. Sau hơn 1 năm triển khai Core Banking, PVcombank đã có được những kết quả khả quan hơn, như: tổng tài sản đạt hơn 108.469 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng, tiền gửi tăng 45%, đạt 71.033 tỷ đồng, dư nợ đạt 42.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt 182 tỷ đồng.
Ngân hàng này cũng liên tục tung ra các sản phẩm, dịch vụ mới, có tích hợp đa tiện ích trên nền tảng công nghệ hiện đại, như: sản phẩm tiết kiệm, cho vay, thanh toán…
Lãng phí triệu đô?
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Vũ Mai Tùng, Phụ trách công nghệ thông tin của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng Core Banking là sản phẩm công nghệ phức tạp. Hiện nay, các ngân hàng đang sử dụng phổ biến phần mềm CoreBanking như I-Flex, T24, TCBS (của Tập đoàn OSI, Mỹ)…
"Điều quan trọng với ngân hàng Việt Nam là khả năng triển khai sau khi sử dụng phần mềm công nghệ mới lại chưa ổn định. Ở thời gian đầu, có suy nghĩ cho rằng sử dụng Core Banking là có tất cả các thứ, nhưng thực tế không phải vậy"- ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng chia sẻ thêm rằng khi đã xây dựng Core Banking, ngân hàng cần có các hệ thống xung quanh để hỗ trợ, vận hành đồng bộ, như hệ thống tín dụng, huy động vốn, mạng lưới, nhân sự… Thậm chí, có ngân hàng còn "cố" nhồi nhét các tính năng vào Core Banking, dù không phù hợp.
Theo thông tin từ hãng Temenos, hiện có 16 ngân hàng, công ty tài chính tại Việt Nam đã sử dụng phần mềm Core Banking của hãng này. Đơn cử Ngân hàng Nhà nước, Sacombank (3 triệu USD), Ngân hàng Quân đội MB, TechcomBank, VPBank, Ngân hàng Quốc dân NCB, PVcombank, EVN Finance…
Một số nhà băng khác chọn phần mềm của các hãng lớn như Apple, OSI để xây dựng Core Banking, như: ACB, Lienvietpostbank, DaiAbank, Eximbank… Dù khác biệt hệ thống, nhưng mục tiêu chung của các ngân hàng là ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý, điều hành và đặc biệt trú trọng yếu tố quản trị rủi ro, an toàn.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm là một số ngân hàng trong diện sáp nhập, hợp nhất sẽ phải buộc phải bỏ đi hệ thống Core Banking khác biệt giữa hai ngân hàng. Như ở một số cuộc sáp nhập sắp diễn ra: Vietinbank – PGbank, BIDV – MHB, MaritimeBank –MekongBank, Sacombank – Phương Nam, hoặc có thể là Eximbank – NamAbank, DaiABank –HDbank…
Chẳng hạn, DaiAbank đã triển khai dự án CoreBanking TCBS từ năm 2007 và đến năm 2010 vận hành chính thức. Năm 2008, HDbank cũng chi tới 5 triệu USD đầu tư Core Banking là Symbols, giúp ngân hàng cải tiến các nghiệp vụ ngân hàng bán buôn, bán lẻ, quản lý nguồn vốn và thương mại, có hỗ trợ xử lý giao dịch trực tuyến… Hai ngân hàng này đều sử dụng hệ thống 7-8 năm.
Nếu tiến hành hợp nhất DaiABank – HDbank thì hệ thống Core Banking trị giá cả trăm tỷ đồng có nguy cơ phải "đập đi, thay mới". Đây sẽ là sự lãng phí rất lớn và quá trình chuyển đổi rất phức tạp.
Thu Hằng