Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước nêu tại báo cáo gửi Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ thẩm tra tình hình kinh tế, xã hội trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (khai mạc ngày 22/5 tới).
Trong số 4 ngân hàng này có 3 ngân hàng mua bắt buộc (CBBank, OceanBank, GPBank) và 1 ngân hàng kiểm soát đặc biệt là DongABank.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện các nội dung tiếp theo đang được các bên liên quan thực hiện để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng nói trên theo trình tự, thủ tục quy định.
Trước đó, tình hình hoạt động của các ngân hàng này từng được đề cập trong báo cáo Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội ở nhiệm kỳ trước, với số lỗ khủng.
Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt |
Riêng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), trường hợp được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước cho biết đang thực hiện các thủ tục đánh giá tổng thể thực trạng để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.
“Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương, tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền; thường xuyên rà soát, theo dõi để kịp thời xử lý các thông tin chưa đúng sự thật, gây hoang mang dư luận. Đến nay, hoạt động của SCB vẫn trong tầm kiểm soát và dần ổn định; không xảy ra tình huống mất an ninh, trật tự trên các địa bàn có chi nhánh, phòng giao dịch của SCB”, báo cáo nêu.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc các ngân hàng là một nội dung được quan tâm tại các đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của nhiều ngân hàng vừa diễn ra.
Năm ngoái, cơ quan này từng cho biết, biện pháp xử lý với các ngân hàng kiểm soát đặc biệt gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn.
Khó khăn lớn nhất khi xử lý các ngân hàng bị mua lại 0 đồng lâu nay là các khoản nợ và lỗ luỹ kế. Chẳng hạn, đến cuối 2019, OceanBank lỗ luỹ kế hơn 17.900 tỷ đồng. Tuy nhiên trong 4 năm gần đây, ngân hàng đã liên tục giảm lỗ luỹ kế, năm 2021 cũng là năm lỗ thấp nhất từ 2016 đến nay. Còn CBBank có lỗ luỹ kế hơn 31.000 tỷ đồng đến cuối 2019. Các nhà băng này đều nhận được sự hỗ trợ quản trị, chiến lược từ Vietcombank và VietinBank... sau khi bị mua lại 0 đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông 4/2023, lãnh đạo các ngân hàng Vietcombank, VPBank, MB cũng hé lộ thông tin về việc tiếp tục các bước nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.
Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank - cho biết Vietcombank sẽ nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Hiện, Vietcombank đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, phương án nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại yếu kém. Đến nay, phương án nhận chuyển giao đã được trình và đang chờ Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
"Đây là một phần trách nhiệm, bởi chúng ta chỉ làm tốt trong một hệ thống ngân hàng ổn định. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank. Với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho ngân hàng động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới", ông Dũng chia sẻ.
Tại MB, vấn đề nóng liên tục trong 2 mùa đại hội cổ đông vừa qua là việc cổ đông liên tiếp chất vấn Chủ tịch HĐQT về việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém. Phó Tổng giám đốc thường trực Phạm Như Ánh cho biết: “Việc nhận chuyển giao bắt buộc đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông năm 2022. Hiện, MB đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình, thời gian định giá 11 tháng bắt đầu từ tháng 3/2023 và dự kiến chậm nhất đầu năm 2024 mới xong".
Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông 2023, trả lời câu hỏi của cổ đông về việc VPBank có nằm trong diện hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và nới room ngoại không?, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng tiết lộ: “VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hiện trong quá trình nghiên cứu đề xuất, phê duyệt của các ngân hàng. Đối với vấn đề nới room ngoại, trong 4 ngân hàng thì có 2 ngân hàng sẽ được nới room ngoại lên 49%. Tuy nhiên, tôi chưa thể nói chính xác vì điều này phụ thuộc vào quá trình phê duyệt".
Hiện nay, thông tin về các tổ chức tín dụng yếu kém chưa được các ngân hàng nhận chuyển giao công bố. Tuy nhiên, trên thị trường từ lâu đã đồn đoán về khả năng Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank, MB sẽ nhận chuyển giao OceanBank, còn VPBank nhận chuyển giao GPBank.
Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2022 ở mức 2%. Song cuối tháng 2/2023 đã tăng lên 2,91%, tăng 0,91% so với cuối 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%). Mặc dù theo báo cáo của các ngân hàng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát dưới 3%, nhưng Ngân hàng Nhà nước qua rà soát cho rằng, một số khoản nợ chưa phải là nợ xấu nhưng có nguy cơ chuyển nhóm nợ, như các khoản được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ hay các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái. Do đó, cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ. |
Thanh Hoa