“Cuộc hôn nhân” giữa hai ngân hàng Sacombank- SouthernBank vốn gây ồn ào hơn 1 năm qua đã sắp đi đến hồi kết. Cuộc họp Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) bất thường của hai bên ngày 11 và 14/7 vừa qua chính thức thông qua chủ trương sáp nhập. Phương án sáp nhập, phát hành thêm cổ phiếu, tỷ lệ hoán đổi cổ phần… cũng được công bố khá chi tiết cho cổ đông, nhà đầu tư.
Xử lý nợ xấu “thần tốc”
Xét về năng lực tài chính, cặp đôi Sacombank- SouthernBank có sự chênh lệch rất lớn về quy mô tài sản, vốn, dư nợ, nợ xấu, lợi nhuận… Trong khi Sacombank có tiếng là ngân hàng quản trị tốt, kinh doanh hiệu quả, lành mạnh thì thương hiệu SouthernBank lại khá mờ nhạt, sức khỏe yếu kém. Lâu nay SouthernBank hạn chế công bố thông tin tài chính nên sức khỏe của nhà băng này thực sự ra sao là điều bí ẩn!
Tuy nhiên, trong ĐHCĐ bất thường vừa qua, Tổng giám đốc SouthernBank Nguyễn Văn Nhân đã công bố báo cáo của cơ quan thanh tra NHNN - Chi nhánh TP. HCM với con số nợ xấu đáng giật mình.
Theo kết luận thanh tra, tính đến 30/6/2012, SouthernBank có tổng nợ xấu cần thu hồi lên tới 18.788 tỷ đồng. Để giảm nhanh dư nợ xấu, ngân hàng đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp, như: thu hồi nợ, bán nợ, cơ cấu lại nợ…
Cụ thể: thu hồi được hơn 9.188 tỷ đồng đối với các khoản vay bị phân loại nợ xấu theo kết luận của cơ quan thanh tra, bán cho Công ty VAMC khoảng 1.440 tỷ đồng (năm 2013) và bán thêm hơn 600 tỷ đồng (năm 2014). Còn số nợ xấu được cơ cấu lại hơn 6.768 tỷ đồng… Nhờ tích cực xử lý, SouthernBank đã giảm “sốc” nợ xấu khi chỉ còn hơn 4.316 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2014.
![]() |
18.788 tỷ đồng nợ xấu của SouthernBank đã không được phản ánh đầy đủ?
Còn theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, SouthernBank là một trong hai ngân hàng bị điểm tên khi không thực hiện báo cáo, phân loại, đánh giá đầy đủ hiện trạng nợ xấu. Hay nói cách khác là ngân hàng này có biểu hiện che giấu nợ xấu thực tế.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước dẫn số liệu của NHNN – Chi nhánh TP.HCM cho hay, tỷ lệ nợ xấu tại ngày 30/6/2012 là 45,6%, đến tháng 11/2013 tăng lên tới 55,31%. Tuy nhiên, SouthernBank lại chỉ báo cáo tỷ lệ nợ xấu tháng 12/2013 ở mức 3,39%, thấp hơn rất nhiều số liệu thanh tra do không thực hiện chuyển nợ xấu theo kiến nghị của thanh tra.
Từ mức 18.788 tỷ đồng nợ xấu, SouthernBank hiện vẫn còn hơn 4.316 tỷ đồng nợ xấu cần xử lý (cuối năm 2014), tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức hai con số, vượt giới hạn an toàn của ngành ngân hàng (tỷ lệ 3%). Trong khi tỷ lệ nợ xấu của Sacombank ở mức rất thấp, chỉ 1,18% (khoảng 1.488 tỷ đồng). Do đó, khi Sacombank nhận sáp nhập SoutherBank thì cũng phải gánh cả khối nợ xấu này, ảnh hưởng tới số liệu trích dự phòng tăng, dẫn tới có thể kéo giảm lợi nhuận năm nay.
Ảnh hưởng lợi ích của cổ đông
Trước thời điểm sáp nhập, có thể thấy, Ngân hàng SouthernBank đã có những nỗ lực cải thiện sức khỏe yếu kém, nợ xấu, tài sản cấn trừ nợ, tồn tại… Vì không chỉ xử lý nợ xấu, thời gian qua, Thanh tra NHNN cũng yêu cầu SouthernBank phải rà soát, điều chỉnh, xử lý một số khoản đầu tư, công nợ phải thu trên sổ sách.
Đến cuối năm 2014, ngân hàng mới thực hiện tất toán xong khoản đầu tư trái phiếu 2.420 tỷ đồng. Riêng các khoản phải thu khách hàng hơn 1.711 tỷ đồng (tại thời điểm 30/6/2012) cũng đã giảm mạnh, chỉ còn 1.017 tỷ đồng (cuối năm 2014). Ngân hàng cũng tích cực thu hồi khoản phải thu của Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam.
Với lộ trình hoàn thành sáp nhập vào quý 4/2015, SouthernBank chỉ còn vài tháng nữa để xử lý, giảm bớt nợ xấu, công nợ, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Sacombank.
Những ảnh hưởng từ cuộc sáp nhập này cũng đã được HĐQT Sacombank dự liệu trước, khi năm 2015, đưa ra chỉ tiêu kinh doanh ở mức khiêm tốn. Đơn cử: tín dụng tăng trưởng chỉ tăng 14% đạt 144.900 tỷ đồng (gồm cả cho vay, đầu tư trái phiếu). Tỷ lệ nợ xấu không quá 2,5%, cao gấp đôi mức 1,18% của năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra là 3.000 tỷ đồng, tăng 5,2% và biên độ điều chỉnh lợi nhuận tăng/giảm khoảng 10% tùy theo diễn biến thực tế. Ngân hàng dự kiến mức trả cổ tức từ 8-10% cho cổ đông.
Tương tự, một số ngân hàng lớn nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ gần đây cũng đưa ra chỉ tiêu kinh doanh năm 2015 và các năm sau ở mức vừa phải. Chẳng hạn, Ngân hàng Vietinbank nhận sáp nhập PGbank chỉ đặt chỉ tiêu tăng tín dụng 13%, lợi nhuận trước thuế 7.300 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%... Mức lợi nhuận này gần như bằng số thực hiện trong năm 2014 là 7.302 tỷ đồng.
Do nhận sáp nhập MHB, BIDV cũng dè dặt chốt mức tăng tín dụng là 16%, lợi nhuận đạt 7.500 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu khoảng 2,5%...
Dù các cuộc sáp nhập được người trong cuộc đánh giá là “hài hòa lợi ích”, song, cổ đông của bên nhận sáp nhập sẽ vẫn chịu thiệt thòi đáng kể. Nhất là khi bên bị sáp nhập có tình hình sức khỏe yếu kém, nợ xấu lớn, làm ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận và lợi ích của cổ đông trong ngắn hạn.
Về dài hạn, nếu “cuộc hôn nhân” diễn ra suôn sẻ và nỗ lực tái cơ cấu, sắp xếp, ổn định hệ thống… thì hoạt động ngân hàng sẽ tốt dần lên, đem lại lợi ích cho cổ đông.
Hải Hà