Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường tài chính trong nước đã xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, phương tiện thanh toán trực tuyến, điện tử mới như tiền ảo, tiền điện tử, mô hình cho vay ngang hàng (P2P)… Sự nở rộ của các phương thức thanh toán điện tử mặc dù mang lại nhiều tiện ích cho xã hội, nhưng lại khó kiểm soát và dễ bị biến tướng, ẩn chứa nguy cơ trở thành mảnh đất màu mỡ để tội phạm ngắm tới (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…).
Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất đưa 4 dịch vụ ví điện tử, tiền ảo, cho vay P2P, cầm đồ vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội. |
Cụ thể, ví điện tử đang ngày càng trở thành một hình thức thanh toán quen thuộc của người tiêu dùng hiện nay, đặc biệt là giới trẻ để giao dịch qua kênh thương mại điện tử và thanh toán hóa đơn tiện ích và hứa hẹn tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh tiện ích mang lại, ví điện tử cũng có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…).
Với các loại tiền ảo, Bitcoin hiện được giao dịch rộng rãi trên các sàn giao dịch tiền ảo như một loại “chứng khoán”, với việc gia tăng giá trị nhanh chóng trong thời gian qua, các đồng tiền ảo đã thu hút sự quan tâm của hàng triệu nhà đầu tư trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Rửa tiền là cách mà tội phạm chuyển hóa đồng tiền do phạm pháp mà có (tiền bẩn) thành tiền hợp pháp (tiền sạch). Bằng việc rửa tiền, khoản tiền bẩn đó được quay trở lại hệ thống tài chính với một “lý lịch sạch sẽ”.
Trong khi đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch tiền ảo, tài sản ảo. Do đó, hoạt động này ngày càng diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.
Đối với hoạt động cho vay ngang hàng, hiện cả nước có khoảng gần 100 công ty P2P Lending như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan... Về lý thuyết, Ngân hàng Nhà nước cho rằng hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội (có khả năng tiếp cận internet); qua đó có thể góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định về hoạt động P2P Lending nhưng cũng không có quy định cấm đối với hoạt động này, trừ trường hợp hoạt động này được xác định là hoạt động ngân hàng và hiện áp dụng theo các quy định của Luật Dân sự. Do đó, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro (rủi ro cho vay, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng...) có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Trong khi đó, dịch vụ cầm đồ đang có dấu hiệu “biến tướng” tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, là nơi tiêu thụ các tài sản do phạm tội mà có, do đó tiếp tay cho tội phạm lừa đảo, trộm cắp, cờ bạc… trong thời gian qua.
Trong vài năm trở lại đây, thị trường cầm đồ bắt đầu xuất hiện hệ thống/chuỗi cầm đồ của của một số công ty như F88, T99, Vietmoney… Mặc dù mới ra đời, nhưng các công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ cho thấy tiềm năng tăng trưởng doanh số đáng kinh ngạc, thu hút lượng lớn vốn đầu tư và không ngừng mở rộng hệ thống cầm đồ.
Với việc còn "lọt lưới" nhiều đối tượng rủi ro cao như trên, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất đưa 4 dịch vụ này vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội.
Thanh Hoa