Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cảnh báo việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay, khẳng định sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm các quy định này.
Người đi vay, ngân hàng cùng có lợi
Nhân viên giao dịch tại một ngân hàng TMCP cho biết vay thế chấp sổ tiết kiệm khi cần tiền gấp là phương án được rất nhiều người dân lựa chọn.
Chị Nguyễn Thu Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ gia đình có việc phải cần một khoản tiền gấp, chị đến ngân hàng để rút trước thời hạn sổ tiết kiệm đang gửi. Tuy nhiên, chỉ còn 3 ngày nữa là đáo hạn sổ nên chị Hà được nhân viên ngân hàng tư vấn thế chấp sổ sẽ có lợi hơn rút trước thời hạn.
Chị Hà cho biết: “Sổ 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7,5%/năm, thì sau 1 năm sẽ có 75 triệu đồng tiền lãi. Trong khi đó, nếu tôi tất toán trước kỳ hạn kể cả 1 ngày, lãi suất chỉ được tính không kỳ hạn khoảng 0,2%, nghĩa là tôi chỉ được hưởng có 2 triệu đồng. Nếu tôi cầm cố sổ, sẽ phải trả mức lãi suất 9%/năm thì vẫn được hưởng 75 triệu đồng tiền lãi và chỉ phải trả 7,5 triệu đồng tiền lãi cho 1 tháng vay”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều triển khai cho vay cầm cố sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng mình hoặc ngân hàng khác, với hạn mức cho vay lên tới 100% giá trị, vì cho rằng đây là những khoản tín dụng thuộc loại ít rủi ro nhất, mà lãi suất cho vay khá cao. Còn người đi vay vẫn bảo toàn được lãi suất ưu đãi sổ tiết kiệm và được giải ngân ngay trong ngày, đáp ứng được nhu cầu cần vốn gấp.
Ở nhiều ngân hàng, nhân viên còn chủ động đề nghị người gửi tiền cầm cố sổ tiết kiệm để vay. Việc cầm cố sổ tiết kiệm ở một số ngân hàng còn cho khách hàng sử dụng online một cách dễ dàng dưới hình thức đăng ký vay thấu chi mà không quan tâm đến việc khách hàng sẽ sử dụng số tiền vay đó để làm gì.
Chia sẻ về vấn đề này, giám đốc chi nhánh một ngân hàng thương mại trên đường Nguyễn Hữu Thọ (Hà Nội), thừa nhận việc không xác minh mục đích khoản vay vốn của khách hàng khi cầm cố sổ tiết kiệm là đang vi phạm quy định tại Thông tư 39 của NHNN về điều kiện vay vốn.
Tuy nhiên, tâm lý khách hàng cho rằng vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm chẳng qua là vay lại tiền mình đã gửi vào ngân hàng, nên thiếu sự hợp tác trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn và cho rằng ngân hàng đang gây khó dễ, làm mất thời gian của họ. Chính vì lý do đó, ngân hàng cũng thường dễ dãi cho qua vì muốn giữ khách hàng và cùng có quan điểm rằng sản phẩm này không có tính rủi ro.
![]() |
Các TCTD sẽ phải siết chặt cho vay cầm cố sổ tiết kiệm |
Sót quy trình, “lãnh” hậu quả
Sẽ không có gì đáng nói nhiều nếu sản phẩm cho vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ phục vụ những nhu cầu phát sinh của khách hàng như trên. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng vẫn có thể xảy ra một số rủi ro.
Thực tế, đã từng xảy ra những vi phạm về việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm gây thiệt hại cho ngân hàng. Trong đó có vi phạm do một số khách hàng có sự móc nối với chính nhân viên ngân hàng liên tiếp quay vòng dòng tiền gửi – vay cầm cố sổ tiết kiệm để hưởng chênh lệch lãi suất.
Ngoài ra, hiện nay, các ngân hàng đang “chạy đua” về lãi suất huy động để hút vốn. Có những ngân hàng đã đẩy lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng lên tới gần 9%, thậm chí hơn 10% đối với chứng chỉ tiền gửi. Nếu so với mức tiền gửi 7,5%, khách hàng sẽ rút tiền ra trước hạn để gửi vào các ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao hơn nhằm hưởng chênh lệch thì rõ ràng đang gây ra một số vấn đề cho hệ thống.
Bên cạnh đó, có trường hợp tiền gửi tiết kiệm của người này nhưng do người khác đứng tên hộ như con cái đứng tên giúp bố mẹ, cá nhân đại diện cho công ty, gửi tiết kiệm sở hữu chung của nhiều người… Do đó, khi người đứng tên cầm sổ tiết kiệm thế chấp sẽ xảy ra việc tranh chấp, ngân hàng vẫn phải liên đới. Thậm chí, tiền gửi tiết kiệm do phạm tội mà có, nếu cơ quan điều tra thu hồi tài sản, ngân hàng sẽ không thể tất toán được.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty Luật Basico, cho biết hiện nay, nhiều ngân hàng lợi dụng sản phẩm này để đẩy tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm chuẩn bị chốt số liệu. Chiêu này được không ít ngân hàng áp dụng, nhất là từ khi NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phù hợp cho từng ngân hàng.
“Các ngân hàng có thể “lách luật”, tạo một vòng gửi tiết kiệm – cầm cố sổ tiết kiệm vay tiền – sau đó lại gửi tiền – rồi lại vay tiền… Điều này đã nhân hệ số tiền gửi, tiền vay lên nhiều lần, dẫn đến dư nợ ảo, chỉ tiêu khống… Ví dụ, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, đến cuối năm chưa đáp ứng thì có thể làm vài vòng như vậy có thể tăng vài phần trăm “ngon ơ”, sang năm lấy đó làm nền để được giao chỉ tiêu cao…”, luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Hoàng Hà