Theo các chuyên gia kinh tế, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) này đã thực sự phát huy hiệu quả, tuy vậy, số lượng DN nhận được nguồn vốn ưu đãi này còn quá ít.
Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 201 nghìn DN, chủ yếu là DNNVV đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu về nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh rất lớn. Nhưng đến nay mới có 10 tổ chức tín dụng và 11 DN với số vốn ký kết gần 3.000 tỷ đồng.
Cửa gọi vốn rẻ vẫn có
Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND Tp Hà Nội cho biết: “Thời gian qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thủ đô đã thường xuyên chủ động nguồn vốn, áp dụng các biện pháp hỗ trợ DN, đồng hành cùng DN, tư vấn cho DN trong quản trị, điều hành, xây dựng chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức cho vay theo chuỗi các DN liên kết sản phẩm, cung ứng các sản phẩm dịch vụ tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của các DN”.
Kết quả khảo sát thông qua ý kiến cộng đồng DN cho thấy, chính sách này đã mở “cánh cửa” gọi vốn rẻ giúp các DN có nguồn vốn đầu tư, ổn định sản xuất.
Tính từ đầu năm 2016 đến 31/8/2016, có 120 ngân hàng thương mại (NHTM) và chi nhánh NHTM trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay theo Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp là 125.641 tỷ đồng phục vụ hàng ngàn lượt khách hàng doanh nghiệp, đã tổ chức được khoảng 350 đợt ký kết trên địa bàn, trong đó có nhiều quận, huyện ký kết.
Lãi suất cho vay của Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp luôn thấp hơn mặt bằng lãi suất cho vay chung từ 1,5 đến 2%/năm. Năm 2015 lãi suất giảm phổ biến từ 6-7%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, từ 8-9%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Đặc biệt, một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt vay vốn các NHTM lớn được hưởng lãi suất ưu đãi 4-4,5%/năm.
![]() |
Nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh rất lớn
Trong 8 tháng đầu năm 2016, mặc dù lãi suất huy động bằng VND ở một số thời điểm có xu hướng tăng nhẹ, nhưng các TCTD vẫn hỗ trợ các DN, tiếp tục duy trì áp dụng mức lãi suất cho vay bằng VND theo Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp như năm 2015. Từ đó, góp phần tác động giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực tài chính và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ DN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Trước đó, năm 2015, các TCTD trên địa bàn Hà Nội đã cam kết cho vay theo Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp 109.350 tỷ đồng, dư nợ đến 31/12/2015 đạt 54.317 tỷ đồng, tăng 3,24 lần so với cuối năm 2014.
Tìm chìa khóa tiếp cận
Theo số liệu từ NHNN tính đến thời điểm đầu tháng 6 năm 2016, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng đối với DN tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực DN tư nhân chiếm tỷ trọng dư nợ tín dụng lớn nhất với 75% và tốc độ tăng trưởng dư nợ nhanh nhất (18%).
Tỷ lệ nợ xấu của DN có xu hướng giảm: năm 2015 giảm 14% so với năm 2014. Với nguồn vốn huy động dồi dào, các TCTD đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng với lãi suất và dịch vụ tốt hơn.
Trong hai năm trở lại đây, chương trình kết nối ngân hàng – DN cũng như thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ. Một số ngân hàng cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn của DN cam kết cung cấp các sản phẩm tín dụng phù hợp. Tại các ngân hàng có ảnh hưởng lớn như Vietinbank, Vietcombank triển khai các quỹ hỗ trợ DN._
Chẳng hạn, đối với cấp tín dụng có một phần tài sản bảo đảm (TSBĐ), VietinBank bỏ điều kiện ROE tối thiểu 5%. Còn đối với cấp tín dụng có TSBĐ, VietinBank miễn điều kiện sản xuất kinh doanh không có lỗ lũy kế. Một chính sách ưu việt nữa là VietinBank cởi mở đối với DNNVV có phương án kinh doanh khả thi và hiệu quả.
Trong khi đó, những ngân hàng quy mô nhỏ hơn như Ngân hàng Quốc dân (NCB) hỗ trợ bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh. Theo đó, khách hàng là các DN doanh thu từ 20 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng/năm chưa từng có quan hệ tín dụng tại NCB hoặc hiện tại đã tất toán khoản vay, hoàn thành các nghĩa vụ tại NCB sẽ được vay ban đầu không tài sản đảm bảo. Tổng hạn mức vay tối đa lên tới 7 tỷ đồng, vay không TSĐB lên tới 2,8 tỷ đồng quỹ để tiếp cận DN.
Tuy nhiều ngân hàng chủ động nắm bắt nhu cầu vay vốn của DN nhưng tiếp cận vốn vẫn là bài toán khó trường kỳ với DN vừa và nhỏ. Theo khảo sát của VCCI, có tới 94% DN trả lời là không vay được vốn. Tài sản bảo đảm và thủ tục, quy trình vay vốn, giải ngân, thanh toán là những nguyên nhân chính hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Đại diện một NHTM cho biết, một trong những nguyên nhân khiến nhiều DNVVN khó tiếp cận nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ là do “sức khỏe” nội tại của DN. Điển hình như đa phần DN không vay được do không có TSBĐ. Trong khi đó, nếu vay bằng tín chấp thì lại vấp phải rào cản đến từ sự thiếu minh bạch và số liệu phản ánh trong hệ thống báo cáo tài chính chưa chính xác, chưa được kiểm toán, thiếu tin cậy…
Thành Vinh