Dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống quý đầu tiên của năm 2021 sẽ đạt 3,6% và tăng 13% trong cả năm. |
Trong xu hướng này, nhiều chuyên gia cho rằng, hiện "sức khỏe" của hệ thống ngân hàng khá tốt nên không cần phải duy trì hạn mức tăng trưởng tín dụng theo kiểu mệnh lệnh hành chính. Thay vào đó để các ngân hàng tự điều tiết phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Nên bỏ cấp room tín dụng?
Hạn mức tín dụng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng từ năm 2011 do tỷ lệ tín dụng/GDP thời điểm đó có những lúc lên tới 158%, dẫn tới không thể kiểm soát lạm phát. Cách thức quản lý này được duy trì cho đến nay.
Theo đó, NHNN sẽ căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của từng tổ chức tín dụng (TCTD) để xếp hạng A, B, C… và giao chỉ tiêu ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các ngân hàng cũng có thể đề xuất tăng chỉ tiêu, và NHNN căn cứ vào hoạt động của nhà băng để linh hoạt điều chỉnh.
Ví dụ, trong 3 năm gần đây, NHNN thường có 2 lần giao chỉ tiêu tín dụng mỗi năm. Sau khi đưa ra hạn mức tăng trưởng cho từng TCTD vào đầu năm, NHNN sẽ tiếp tục có đợt nới “room” lần hai vào nửa cuối năm. Thực tế, nhiều TCTD đã sử dụng hết hạn mức từ giữa năm, hoặc quý III, trước khi NHNN xét duyệt nới thêm đợt hai.
Đơn cử, hồi đầu năm 2020, Vietcombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 10%, tuy nhiên đến cuối năm, tỷ lệ này được nâng lên thành lên 14%. Một số ngân hàng TMCP khác cũng được nâng chỉ tiêu như MB, Techcombank, TPBank...
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hiện tại, "sức khoẻ" hệ thống ngân hàng khá tốt. Vì thế, cách thức "tạm ứng" hạn mức này của NHNN khiến nhà băng khó có thể chủ động cho phương án kinh doanh.
Đặc biệt, năm nay thị trường thuận lợi hơn, không ít ngân hàng đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao. Do đó, nếu NHNN phân bổ hạn mức tín dụng thấp hơn “nội lực” sẽ khiến các nhà băng khó tận dụng hết được cơ hội này.
Năm 2021, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng là 12%, ngang bằng với mức tăng trưởng của năm ngoái. Theo đó, hạn mức cho các ngân hàng cũng tương đối thấp.
Chẳng hạn, một số ngân hàng đã được NHNN cấp hạn mức tín dụng cho cả năm. Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước gồm Agribank, BIDV, VietinBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng trong khoảng 6,5 - 7,5%, riêng Vietcombank đứng ở mức 10,5%. Một số ngân hàng TMCP tư nhân như VIB, ACB, Sacombank là 8,5 - 9,5% và MB, VPBank, Techcombank là 10,5 - 12%.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến 17/2, tín dụng tăng 1,2%, cả quý I ước tăng 2% so với cuối năm trước. Con số này cao hơn cùng kỳ năm trước (quý I/2020 là 0,68%).
Kỳ vọng tín dụng tăng
Theo một lãnh đạo NHNN, cơ quan này đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021.
Ở kịch bản 1, việc tiêm chủng vắc xin đại trà và dịch Covid-19 được khống chế, tín dụng sẽ tăng 12 - 13%, có thể đạt 14%. Kịch bản 2, dịch kéo dài đến tháng 6, các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được thực hiện, thời gian tiêm vắc xin kéo dài, tín dụng có thể tăng từ 10-12%. Kịch bản 3, dịch kéo dài đến hết năm, tín dung tăng trưởng khoảng 7-8%.
Trong 3 kịch bản, cơ quan quản lý kỳ vọng tăng trưởng tín dụng kịch bản 1 nhưng kịch bản 2 có khả năng xảy ra, kịch bản 3 gần như không mong muốn xảy ra nhưng cần phải đưa ra.
Các chuyên gia cũng nhận định, mặt bằng lãi suất cho vay đang chiều hướng giảm, trong khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn. Từ đó, tín dụng cũng sẽ được đẩy mạnh tăng trưởng hơn.
Ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, mặt bằng lãi suất năm 2021 sẽ ổn định ở mức thấp và đây là điều kiện để kích cầu tín dụng. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của OCB đưa ra năm nay tương tự năm 2020, tăng không dưới 20% (tùy theo room tín dụng được NHNN cấp).
Trước đó, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý I/2021 do Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN) thực hiện cho thấy, các ngân hàng dự báo tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống quý đầu tiên của năm 2021 sẽ đạt 3,6% và tăng 13% trong cả năm. Ngoại trừ nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn, hầu hết nhà băng còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Trong bối cảnh “sức khoẻ” các ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều, lạm phát luôn được duy trì ở mức mục tiêu, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, NHNN nên bãi bỏ biện pháp hành chính này và thay bằng biện pháp thị trường khác phù hợp. Theo đó, NHNN nên điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường, kiểm soát chặt bằng hệ số an toàn vốn (CAR), thông qua ràng buộc giữa vốn chủ sở hữu và tín dụng - đầu tư.
Huyền Anh