Sau vài năm đua nhau mở dịch vụ Repo BĐS, đến giờ, các công ty kinh doanh hình thức này mới "thấm đòn". Giữa cái nắng oi ả của mùa hè, vị giám đốc trẻ của một công ty đầu tư tài chính tại Hà Nội tỏ ra mệt mỏi vì phải đôn đốc, thu nợ của hàng chục hợp đồng Repo tài sản đã quá hạn từ lâu. Sau nhiều nỗ lực thu hồi nợ, đến giờ, công ty này mới xử lý được khoảng 200 tỷ đồng nợ xấu từ hoạt động Repo tài sản, chủ yếu là nợ gốc.
"Lối thoát" không êm ả
"Trong tình cảnh khó khăn hiện nay, thu được nợ của khách hàng không dễ đâu. Chúng tôi đã tìm phương án hỗ trợ khách hàng hết mức, thuyết phục họ hợp tác trả nợ. Nhưng có khách hàng vẫn không trả nợ, không bàn giao tài sản, hành xử theo kiểu xã hội đen. Có người hiểu biết hơn thì quay ra tố ngược chúng tôi", vị giám đốc này than thở.
Câu chuyện xử lý tài sản Repo để thu nợ không đơn giản như kí một hợp đồng mua bán nhà đất. Trước đây, để vay vốn kinh doanh, ông N. đã kí hợp đồng Repo bán một BĐS (của bên thứ 3) cho công ty trên với giá trị 10 tỷ đồng, tương ứng với khoản nợ gốc và lãi vay trong hạn.
Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ, ông N. không có khả năng mua lại tài sản. Đến giờ, tổng số nợ gốc và tiền lãi phát sinh đã lên tới 17 tỷ đồng, trong khi đó, giá trị BĐS chỉ còn 14 tỷ đồng, không đủ trả nợ.
Nhưng khi công ty tiến hành thu hồi tài sản để thanh lý, chủ sở hữu tài sản này đã gửi đơn lên cơ quan chức năng để yêu cầu ngăn chặn việc chuyển nhượng tài sản, nhằm trì hoãn thời gian trả nợ, cố tình gây khó khăn cho việc xử lý.
"Trong nhiều trường hợp, chúng tôi phải xem xét để miễn giảm lãi suất phát sinh cho khách hàng. Mục tiêu là thu hồi tối đa nợ gốc. Nhưng có nhiều tài sản rất khó thu hồi, phải phối hợp với cơ quan công an để xác minh hành vi lừa đảo, ngăn chặn con nợ tẩu tán tài sản", vị giám đốc trên nói.
![]() |
Nhiều ngân hàng "lách" cho khách hàng vay
bằng Repo bất động sản
Thực tế, đã có nhiều khoản cho vay dưới hình thức Repo tài sản bị vướng vào các tranh chấp pháp lý. Chẳng hạn như người vay có liên quan đến các vụ án đang bị cơ quan công an điều tra. Hay Repo tài sản đã được thế chấp tại nhiều ngân hàng khác khiến các chủ nợ phải tranh cãi, giành quyền thu tài sản để vớt vát số tiền đã cho vay. Có trường hợp bi đát hơn, một công ty vừa kí hợp đồng Repo tài sản được nửa tháng, đã giải ngân xong thì khách hàng - con nợ bỗng dưng tử vong, khiến công ty không thể thu hồi được tài sản lẫn nợ vay.
Ngân hàng cũng khóc
Thực tế đang diễn ra với nghiệp vụ Repo tài sản đã hé lộ nhiều chiêu "lách" cho vay của ngân hàng. Để hạn chế tín dụng tăng trưởng quá nóng, NHNN đã giới hạn mức cho vay của NHTM. Cùng với quá trình tái cơ cấu, nhiều khoản vay của khách hàng đã bị quá hạn, chuyển thành nợ xấu và không đủ điều kiện để tiếp tục vay vốn nữa.
"Lách" thực tế này, các ngân hàng đã lập công ty tài chính (có vốn hoặc nhận ủy thác vốn của ngân hàng) đứng ra mua lại tài sản thế chấp của khách hàng với kì hạn và lãi suất thỏa thuận. Hết thời hạn mua bán, khách hàng được quyền "chuộc" lại tài sản với số tiền bằng nợ gốc và lãi phát sinh.
Về hình thức, đây là dạng chuyển nhượng tài sản trên... giấy, để khách hàng có cơ hội vay vốn kinh doanh hoặc đảo nợ ngân hàng. Thực tế, Repo tài sản đã được sử dụng phổ biến trong hoạt động đảo nợ ngân hàng một cách hợp pháp. Và, đa số các NHTM đều có công ty tài chính được phép thực hiện nghiệp vụ Repo tài sản.
Vị giám đốc trên cho hay, trong giai đoạn 2010 - 2011, công ty ông đã kí nhiều hợp đồng Repo bất động sản, cổ phiếu với kì hạn từ 3-6 tháng. Lãi suất cho vay trên 20%/năm, chưa kể các khoản lãi phát sinh như tín dụng ngân hàng. Quá trình thẩm định tài sản, định giá mua bán, điều khoản xử lý nợ, tài sản… cũng tuân thủ quy trình cho vay của ngân hàng.
Nhưng điểm khác là, trong hợp đồng Repo, công ty định giá tài sản thấp hơn, quy định khách hàng sẽ được mua lại tài sản đúng bằng giá này vào thời điểm hết hạn hợp đồng. Trường hợp, khi hết hạn hợp đồng, khách hàng không có khả năng mua lại tài sản thì công ty nhận Repo có quyền bán đứt tài sản, mà không phải xử lý phát mại như đối với ngân hàng.
Như vậy, có thể thấy là các điều kiện, thủ tục vay vốn từ các công ty nhận Repo tài sản "thoáng" hơn so với thủ tục của ngân hàng. Và cũng không bị ràng buộc bởi các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu của NHNN. Tuy nhiên, chính vì đặc điểm này mà các hợp đồng Repo tài sản thường rủi ro hơn, thậm chí dễ mất vốn hơn.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên Thời báo Kinh Doanh, hiện nay, Công ty CP đầu tư, tư vấn, dịch vụ H.M (Hà Nội) đang khó xử lý khoản nợ hàng chục tỷ đồng từ hợp đồng Repo tài sản của ông N.T.V (Tp.HCM). Ông N.T.V nguyên là Giám đốc Công ty TNHH thương mại Q.B - đã từng bị tòa tuyên án tử hình trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt vốn của 2 ngân hàng hồi năm 1997, sau đó, được giảm án tù nhiều năm. Còn Công ty H.M đã nhận một lượng vốn ủy thác lớn của ngân hàng Habubank (đã sáp nhập về SHB năm 2012).
Mặc dù căn nhà của ông T.V đã bị kê biên để xử lý trả nợ cho ngân hàng Đông Á, nhưng sau đó, giấy tờ sổ đỏ căn nhà đã được hợp thức hóa và bán cho Công ty H.M. Hiện, 2 chủ nợ này đang phải đàm phán phương án thu hồi nợ, phân chia tài sản. Nhưng dù phương án xử lý nào được chấp thuận, với giá trị tài sản hiện đã thấp hơn nhiều tổng số nợ, thì khả năng mất vốn ngân hàng là điều có thể nhìn thấy trước.
"Vay dễ, trả khó" là câu nói đúc kết của nhiều cán bộ ngân hàng khi nói về thực tiễn hoạt động tín dụng. Với hoạt động ủy thác vốn cho tổ chức tài chính để thực hiện Repo tài sản, có lẽ, nhiều ngân hàng sẽ phải "khóc" thêm lần nữa.
Thu Hằng